Bản tin dịch COVID-19 đến 14h chiều: Bắt đầu thời kỳ cao điểm chống dịch

Thứ sáu - 07/08/2020 03:35
Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

“Hình ảnh bác sĩ từ Hải Phòng lên đường, tạm biệt gia đình, vợ con hết sức cảm động và nhiều tấm gương khác, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp máy thở, phương tiện, vật tư y tế, tiền bạc cho công cuộc này” - Thủ tướng nói.

Cập nhật dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 14h hàng ngày.

Tính đến 14h00 ngày 7/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:

* Thế giới: 19.264.616 người mắc; 717.754 người tử vong; 12.363.793 người bình phục.

* Việt Nam: 750 người mắc; 392 người điều trị khỏi, 10 người tử vong

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

Xử lý nghiêm khắc nếu không thực hiện tốt phòng chống dịch

Sáng nay (7/8), chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần quyết liệt, không được chủ quan, lơ là, “địa phương nào, ngành nào không có trách nhiệm, không thực hiện tốt chủ trương phòng chống dịch hiện nay sẽ được kiểm tra, xử lý nghiêm khắc”.

Thủ tướng nêu rõ, cần bình tĩnh, lắng nghe tình hình, đặc biệt là dự báo của Ban Chỉ đạo quốc gia, từ đó đưa ra những giải pháp tốt hơn nữa, những yêu cầu để phục vụ công tác chống dịch kịp thời hơn nữa, huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực… Làm sao máy móc, thiết bị, sinh phẩm phục vụ chống dịch không được thiếu thốn, làm sao nguồn nhân lực, nhất là những chiến sĩ áo trắng có mặt khi cần thiết, kịp thời, tập trung hơn. Hình thức thông tin nào phổ cập hơn nữa tới người dân để người dân cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhanh chóng phát hiện ca nhiễm…

Thủ tướng cho rằng, với các đô thị lớn, đông dân cư như TP. Hà Nội, TPHCM, nếu để lây nhiễm thì sẽ rất nguy hiểm, do đó, đặt ra những biện pháp mạnh để khoanh, xử lý ổ dịch là rất quan trọng.

Tốc độ virus lây lan nhanh, phát tán rộng

Bộ Y tế cho biết, từ ngày 23/7/2020 đến nay đã ghi nhận 335 trường hợp, trong đó có 37 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 298 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 13 tỉnh, thành phố (các trường hợp mới được phát hiện này đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng, F1 là 118 người).

Nhận định tình hình dịch bệnh giai đoạn 2 tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, đợt dịch lần này với ổ dịch là thành phố Đà Nẵng và tâm dịch lớn nhất tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh với 186 trường hợp, tập trung vào các khoa điều trị bệnh nhân nặng như Nội Thận Tiết niệu, Hồi sức tích cực, Nội Thần kinh trong đó có 19 nhân viên y tế, 77 bệnh nhân, 90 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân và đã có lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp mắc trong bệnh viện ra cộng đồng với 18 trường hợp.

Ngoài ra, cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát với 20 trường hợp được phát hiện ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác là các trường hợp đi tham quan, du lịch, làm việc tại Đà Nẵng.

So sánh về tốc độ lây lan giữa 2 bệnh viện là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có thể tốc độ lây lan của chủng virus lần này tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần.

Tính tới thời điểm hiện tại, dịch bắt nguồn từ Đà Nẵng và đã lan ra 12 tỉnh, thành phố.

1


Đảm bảo công tác xét nghiệm, khám chữa bệnh

- Sáng nay, Viện Pasteur Nha Trang thông báo tiếp tục thực hiện xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm xác định ca dương tính với SARS-COV-2 cho 11 tỉnh khu vực miền Trung, mặc dù có sự thiếu hụt tạm thời sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao, môi trường bảo quản vi rút trong ngày 05/8/2020 do tác động của việc nhập khẩu khó khăn những mặt hàng trên trong bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Đến ngày 06/8 Viện Pasteur Nha Trang đã có được sinh phẩm tách chiết, primer, probe, môi trường bảo quản mẫu... nên việc xét nghiệm vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, Viện Pasteur Nha Trang ưu tiên cho các địa phương có nguy cơ cao và các địa phương dang hoàn thiện lắp đặt hệ thống máy xét nghiệm.

Được biết, ngày 06/8/2020, Viện đã xét nghiệm cho Bình Thuận (209 ca), Quảng Ngãi (422 ca), Quảng Trị (3 ca), Khánh Hòa (50 ca). Viện sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm tất cả các mẫu tinh gửi về nếu kèm theo sinh phẩm, hóa chất và vật tư tiêu hao tương ứng.

- Nhằm hỗ trợ thực hiện công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại TP Đà Nẵng, ngày 05/8/2020, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 4176/BYT-BH về việc tổ chức khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh trong tình hình dịch bệnh do COVID-19.

+ Đối với trường hợp đến KCB tại cơ sở có hợp đồng KCB BHYT nhưng không phải là nơi đăng ký KCB ban đầu theo hướng dẫn của Sở Y tế: Thanh toán như trường hợp đi KCB đúng tuyến;

+ Đối với trường hợp đến KCB tại cơ sở KCB không có hợp đồng KCB BHYT nhưng được Sở Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận để cấp cứu, điều trị người bệnh có thẻ BHYT:

Thanh toán chi phí KCB BHYT như trường hợp KCB đúng tuyến, theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT đối với trường hợp cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến;

Thanh toán theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đối với trường hợp người bệnh tự đến KCB (không phải cấp cứu, không có giấy chuyển tuyến KCB BHYT).

1

Tiếp tục chi viện cho miền Trung

- Bộ Y tế đã xuất cấp từ Kho dự trữ quốc gia để nhập kho tiền phương tại Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, gồm 2 đợt. Mỗi đợt khoảng 300m3 hàng vật tư y tế.

- Hải Phòng cử 33 cán bộ y tế gồm: 9 bác sĩ, 24 điều dưỡng thuộc 3 chuyên ngành nội hô hấp, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm (ảnh).

- Bình Định cử 25 cán bộ y tế gồm: 8 bác sĩ, 11 điều dưỡng, 01 cử nhân xét nghiệm, 02 chuyên viên xử lý hình ảnh, 02 y sĩ, 01 hộ sinh.

- BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử hai chuyên gia hàng đầu về điều trị bệnh COVID-19 là BSCK2. Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và BS. Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực.

- BV Chợ Rẫy cử đội phản ứng nhanh thứ 5 gồm: ThS. Điều dưỡng (ĐD) Nguyễn Trần Đức (Khoa Thân nhân tạo) và Cử nhân ĐD Lê Hữu Trang (khoa Hồi sức Ngoại thần kinh) lên đường tiếp ứng Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

-Bệnh viện Dã chiến Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành với quy mô 700 giường tại Cung Thể thao Tiên Sơn sau 72h thi công khẩn trương.

- Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông "Niềm tin chiến thắng" kêu gọi cả nước hãy thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh COVID-19 và đoàn kết, lạc quan, sẻ chia để đẩy lùi dịch bệnh!

Dương Hải
https://suckhoedoisong.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây