Bộ Y tế kêu gọi toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng chống dịch bệnh

Thứ sáu - 27/12/2024 05:13
Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2024, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025. Hội nghị do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế tại Việt Nam.
Hội nghị tổng kết PCD
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng
 
Với cách thức và hình thái lây truyền đa đạng, tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, các bệnh truyền nhiễm nói chung luôn diễn biến khó lường, khó dự báo. Bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng làm cho các đợt bùng phát dịch bệnh ngày càng gia tăng và nguy cơ xảy ra đại dịch luôn hiện hữu. Năm 2024, các đợt bùng phát dịch bệnh mpox, dịch tả, bại liệt, Marburg... vẫn xảy ra tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới là sự cảnh báo rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi quốc gia.
Tại Việt Nam, trong năm 2024 tình hình các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát; các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét giảm mạnh so với năm 2023; không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm nhóm A (Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9) xâm nhập vào Việt Nam. Năm 2024 xảy ra cơn bão Yagi lớn nhất từ trước đến nay đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh đã được chuẩn bị sẵn sàng, chủ động nên các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau thiên tai, bão lũ được kiểm soát tốt, không để xảy ra các ổ dịch lớn tại các địa bàn bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, năm 2024, trên phạm vi toàn quốc, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại, một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương.
Theo Bộ Y tế, công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng liên tục của các tác nhân gây bệnh. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vắc xin; chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Ý thức phòng bệnh vẫn còn hạn chế; một bộ phận người dân chủ quan, lơ là; hiện tượng chống vắc xin. Hoạt động giám sát, nhận định, dự báo dịch bệnh, năng lực xét nghiệm tại địa phương còn hạn chế. Phối hợp liên ngành ở cơ sở hạn chế, chưa thường xuyên liên tục; hoạt động phòng, chống dịch chủ yếu do ngành y tế.
Về tình hình dịch bệnh năm 2025, Bộ Y tế nhận định, trên thế giới, một số bệnh như đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh (sởi, ho gà) có khả năng gia tăng số mắc; nguy cơ xuất hiện các bệnh nguy hiểm, mới nổi, chưa rõ nguyên nhân luôn hiện hữu.
Còn tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết vẫn là thách thức y tế công cộng do biến đổi khí hậu, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc tơ hạn chế. Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân khá phổ biến, đặc biệt là với nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non nên nguy cơ gia tăng số mắc. Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vắc xin tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế; có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện. Bệnh dại vẫn ghi nhận tử vong ở mức cao do hạn chế trong quản lý đàn chó, mèo, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp; người dân vẫn chủ quan, lơ là khi không tiêm phòng dại và xử trí kịp thời khi bị chó, mèo cắn.
Cùng với đó, các bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người như bệnh Mpox tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc với các biến chủng mới; Cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do vi rút  trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi.
Thu truong Liên hương
Phát biểu Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã nhấn mạnh: “Nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội. Bộ Y tế đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp cùng ngành Y tế, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm để chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”.
Để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức quốc tế và cộng đồng xã hội khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về y tế dự phòng, y tế cơ sở và phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 và nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khân cấp về y tế công cộng; đồng thời chỉ đạo việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống xảy ra của dịch bệnh; đảm bảo nguồn lực, kinh phí tổ chức thực hiện và huy động các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị xã hội chủ động tham gia công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ngành Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ban, ngành, địa phương, sự đóng góp, hỗ trợ của bạn bè quốc tế và sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng xã hội và Nhân dân cả nước./.
                                                                                          Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây