Trong khi bệnh Sởi thường được xem là bệnh của trẻ em, thì thời gian gần đây, số ca mắc Sởi ở người lớn đang có xu hướng gia tăng. Thực tế này đặt ra nhiều lo ngại về mức độ miễn dịch cộng đồng và sự chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh ở nhóm đối tượng trưởng thành.
Gia tăng ca mắc Sởi ở người lớn Ngày 10/4, ca tử vong do bệnh Sởi ở người lớn đầu tiên ở nước ta trong năm 2025 được ghi nhận ở Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, so với mọi năm, số bệnh nhân mắc Sởi vào đơn vị này điều trị có biến chứng nặng hơn. Độ tuổi trung bình mắc Sởi nhập viện từ 30-65 tuổi, có bệnh nhân 70 tuổi vẫn mắc bệnh Sởi biến chứng nặng và phải thở máy. Điều này cho thấy Sởi không thể chủ quan, dù là người lớn mắc Sởi thì nguy cơ biến chứng nặng cũng cao. Sởi không chỉ ghi nhận ở trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là nhóm có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy giảm. Tại Đà Nẵng cũng đang đối mặt với tình trạng bệnh Sởi gia tăng ở người lớn. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố có gần 17% số ca sốt phát ban nghi Sởi là người trên 18 tuổi, đặc biệt là ở những người chưa được tiêm chủng vắc xin phòng Sởi hoặc tiêm không đầy đủ.
Sởi không chỉ ghi nhận ở trẻ em mà số ca mắc ở người lớn cũng tăng
Trong tâm trí nhiều người, bệnh Sởi vẫn thường được xem là căn bệnh “tuổi thơ”, phổ biến ở trẻ nhỏ và hầu như không quá nguy hiểm nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang chứng minh điều ngược lại: số ca mắc Sởi ở người trưởng thành đang gia tăng và người bệnh thường chủ quan không đi khám để điều trị, từ đó gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm não, liệt, động kinh, hoặc các vấn đề về thần kinh. Vì sao người lớn vẫn mắc Sởi? Có nhiều lý do khiến người lớn dễ mắc Sởi. Hầu hết đó là những người chưa từng tiêm vắc xin Sởi hoặc tiêm không đủ liều khi còn nhỏ. Hiệu lực miễn dịch suy giảm theo thời gian, đặc biệt nếu chỉ tiêm một mũi vắc xin khi còn bé. Một số người sinh trong giai đoạn vắc xin chưa phổ cập (trước năm 1985 ở Việt Nam) có thể chưa từng được tiêm chủng, dẫn đến mất miễn dịch cộng đồng. Triệu chứng Sởi ở người lớn: Dễ nhầm lẫn, khó phát hiện sớm So với trẻ nhỏ, người lớn mắc Sởi có triệu chứng rầm rộ hơn và dễ biến chứng. Triệu chứng bao gồm: - Sốt cao (trên 39°C), đau đầu, mệt mỏi. - Viêm kết mạc (mắt đỏ), ho nhiều, sổ mũi. - Xuất hiện ban đỏ từ sau tai, lan dần ra toàn thân. - Có thể kèm theo loét miệng, đau họng, tiêu chảy. - Đáng chú ý, Sởi ở người lớn dễ bị nhầm lẫn với sốt phát ban do virus khác, dị ứng, hoặc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, dẫn đến chẩn đoán muộn và biến chứng nặng. Tiêm vắc xin và bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch Người lớn chưa từng tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm từ lâu nhưng không được tiêm nhắc lại có nguy cơ rất cao mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây. Điều này càng đáng lo ngại đối với những người có bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường, hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Hệ miễn dịch của nhóm đối tượng này thường suy giảm, khiến cho quá trình nhiễm Sởi có thể diễn biến nhanh chóng và nghiêm trọng hơn, dễ dẫn đến biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não hoặc thậm chí tử vong. Do đó, việc kiểm tra lịch sử tiêm chủng và chủ động tiêm phòng nhắc lại là vô cùng cần thiết để phòng ngừa hiệu quả bệnh Sởi ở người lớn, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Bộ Y tế khuyến cáo người lớn chưa tiêm vắc xin Sởi cần tiêm ngay một mũi và nhắc lại sau đó./.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp, do vi rút sởi gây ra.Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô...