Chủ động phòng, chống Cúm A(H5N1): cảnh giác, hành động ngay từ bây giờ
Thứ sáu - 04/04/2025 04:39
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh cúm A(H5N1) trên thế giới và tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, ngành y tế thành phố (Tp.) Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế nguy cơ lây truyền và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế,năm 2025 một số nước trên thế giới đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N1) ở người, đến cuối tháng 3 năm 2025, Campuchia đã ghi nhận ba trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) và tất cả đều tử vong. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Thú y và Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ đầu năm 2025 đến nay đã xuất hiện 06 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh: Tuyên Quang, Nghệ An, Tiền Giang và Long An.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Phòng bệnh, để chủ động phòng, chống cúm A(H5N1), hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền từ động vật sang người, Sở Y tế Tp. Đà Nẵng đã Sở Y tế Đà Nẵng đã ban hành văn bản chỉ đạo toàn ngành Y tế địa phương tăng cường chủ động trong công tác phòng, chống cúm A(H5N1), với các nội dung trọng tâm: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp cùng các Trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế, đặc biệt là các đối tượng đến từ vùng có dịch. Việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly và xử lý kịp thời sẽ được thực hiện theo đúng quy trình nhằm ngăn chặn sự lây lan. Đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch Công tác thông tin, tuyên truyền được xác định là một trong những biện pháp hiệu quả giúp nâng cao nhận thức người dân. CDC và các cơ sở y tế phối hợp với chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp để truyền thông đến người dân tại các khu vực có nguy cơ cao – nơi có gia cầm ốm, chết bất thường – về cách nhận biết triệu chứng cúm, biện pháp bảo vệ và vai trò của người dân trong phòng chống dịch. Sẵn sàng về cơ sở vật chất và nhân lực Ngành y tế đã yêu cầu CDC và các TTYT rà soát và chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế, hóa chất khử khuẩn, thuốc men, thiết bị y tế cũng như nguồn nhân lực để đảm bảo ứng phó kịp thời khi có ca bệnh hoặc ổ dịch xuất hiện. Các cơ sở khám chữa bệnh cần chuẩn bị sẵn phương án thu dung, cấp cứu, điều trị, đặc biệt chú trọng bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người mắc bệnh nền…. Phối hợp liên ngành và kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu Công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu được siết chặt, bảo đảm phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm cúm nhập cảnh. Ngành y tế cũng phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để cập nhật thông tin dịch bệnh trên gia cầm, nhằm có phản ứng nhanh và hiệu quả khi dịch lây lan sang người. Tăng cường điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố phải thực hiện nghiêm quy trình sàng lọc, phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo tuyến, hội chẩn chuyên môn, chuyển tuyến đúng quy định, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa tử vong. Cúm A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong cao nếu không được kiểm soát. Sự chủ động, phối hợp và cảnh giác cao độ của toàn ngành y tế cùng sự đồng lòng, hợp tác của người dân chính là "vắc xin" hiệu quả nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Hãy cùng nhau hành động ngay hôm nay vì một cộng đồng khỏe mạnh, an toàn, bằng những hành động sau:
Không tiếp xúc, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm ốm, chết bất thường.
Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang tại nơi đông người.
Khi có triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Chủ động khai báo y tế khi về từ vùng có dịch.
Không lan truyền thông tin sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng./.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp, do vi rút sởi gây ra.Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô...