Ho là vấn đề khó tránh khỏi ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có những mẹo phòng tránh ho mà các bậc phụ huynh nên tham khảo.
Ho là vấn đề khó tránh khỏi ở trẻ và có những biến chứng khó lường ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ |
Có thể thấy, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus sinh sôi, khiến trẻ nhỏ không thích nghi kịp sẽ dẫn tới hàng loạt dịch, bệnh về đường hô hấp với rất nhiều triệu chứng trong đó ho là phổ biến nhất.
Đối với các bệnh đường hô hấp kèm triệu chứng ho, biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu để ứng phó nhằm ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, hen suyễn, viêm phế quản… Chính vì vậy, cha mẹ cần chủ động bảo vệ trẻ trước khi nhiễm bệnh bằng những mẹo sau:
Rửa tay thường xuyên đối với cả phụ huynh và trẻ nhỏ
Hầu hết các bệnh lây nhiễm, bao gồm cả các bệnh qua đường hô hấp đều lây truyền qua tiếp xúc. Vì vậy, bố mẹ và trẻ có thói quen rửa tay đúng cách và thường xuyên là vô cùng quan trọng giúp hạn chế cơ hội cho virus xâm nhập vào đường hô hấp.
Trẻ nên học thói quen rửa tay hàng ngày để bảo vệ sức khỏe |
Trẻ nên học thói quen rửa tay sau khi chơi ở bên ngoài về, trước khi ăn cơm, khi vào nhà vệ sinh, sau khi tay bé chạm vào các con vật cưng như chó, mèo…
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể trực tiếp rửa tay cho bé. Đối với các bé lớn hơn, cha mẹ nên hướng dẫn bé rửa tay đủ các bước cả mu bàn tay, lòng bàn tay và các kẽ ngón tay…
Bên cạnh đó, những người trực tiếp chăm sóc, thường xuyên tiếp xúc với trẻ càng cần có ý thức vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn nha
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý
Đây là cách tự nhiên, hiệu quả nhất để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ, nhằm phòng tránh những bệnh lý về đường hô hấp. Nếu trẻ không được đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, khoa học; thiếu ngủ và thường xuyên mệt mỏi, hệ miễn dịch của bé sẽ suy yếu, khó tránh khỏi sự tấn công của vi khuẩn.
Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là biện pháp hoàn thiện và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ. |
Đảm bảo bé ngủ đủ giấc, được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trẻ lớn hơn cần được bổ sung đầy đủ các nhóm chất tinh bột, chất béo, chất đạm vitamin và khoáng chất thiết yếu là cách hiệu quả nhất phòng ngừa ho, cảm cúm, sổ mũi…ở trẻ nhỏ.
Hạn chế tiếp xúc với các mầm bệnh để tránh lây lan các bệnh đường hô hấp gây ho
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để bùng phát các dịch bệnh. Thời điểm này, nhiều trẻ em và cả người lớn có thể cùng đồng loạt nhiễm các virus gây bệnh đường hô hấp. Thậm chí, những người hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị bệnh, nhưng vẫn có thể mang virus đang trong giai đoạn ủ bệnh.
Vì hô hấp là bệnh dễ dàng lây lan, nên việc đưa con tới những nơi đông người có thể làm tăng nguy cơ trẻ tiếp xúc với mầm bệnh, dẫn tới nhiễm các virus, vi khuẩn gây bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh còn có thể được thực hiện bằng cách, cần phải vệ sinh sạch sẽ những nơi trẻ thường tiếp xúc như giường ngủ, đồ chơi, sàn nhà và vệ sinh phòng ngủ cho trẻ…
Giữ nhiệt độ môi trường xung quanh trẻ ổn định
Thời tiết thay đổi khiến nhiệt độ và độ ẩm cũng thay đổi đột ngột. Lúc này, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ngồi điều hòa quá lạnh, nhiệt độ phòng nên để từ 26-27 độ C vào ban ngày, 27-28 độ C vào ban đêm, nhiệt độ trong nhà và ngoài trời không nên chệnh lệnh quá 5 độ C. Hạn chế ra vào liên tục phòng điều hòa vì có thể gây sốc nhiệt.
Tiêm phòng cúm giúp phòng chống các bệnh có thể kèm chứng ho
Tiêm phòng cúm là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp |
Giao mùa là khoảng thời gian bệnh cúm lây lan nhanh và dễ dàng tạo thành dịch ở nhiều nơi. Cúm là một bệnh lý đường hô hấp với các triệu chứng ho, sốt, nghẹt mũi, sổ mũi… Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh cúm, và thường thì biến chứng cúm ở trẻ có mức độ nguy hiểm hơn so với người lớn. Chính vì vậy, để phòng ngừa các triệu chứng ho nói chung và bệnh cảm cúm nói riêng, cha mẹ có thể chủ động tiêm phòng vaccine cúm cho trẻ.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn