Đà Nẵng tiêm chủng bù liều cho trẻ mẫu giáo và tiểu học năm học 2024-2025
Thứ sáu - 18/04/2025 21:14
Nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa bệnh truyền nhiễm và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố trong năm học 2024–2025.
Với mục tiêu chung là nâng cao tỷ lệ bao phủ các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), kế hoạch này hướng đến việc chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, rubella, bại liệt và viêm não Nhật Bản – những bệnh thường gặp và có nguy cơ bùng phát ở nhóm tuổi nhỏ nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Mục tiêu cụ thể của chương trình đặt ra là ít nhất 90% số trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều các loại vắc xin trên sẽ được tiêm chủng bù liều theo đúng hướng dẫn chuyên môn. Đồng thời, công tác tiêm chủng sẽ được tổ chức an toàn tuyệt đối, đúng quy trình từ khâu chuẩn bị đến theo dõi sau tiêm.
Thành công trong chiến dịch tiêm vắc xin Sởi, Đà Nẵng tiếp tục lên kế hoạch tiêm bù liều 03 loại vắc xin cho trẻ mầm non và lớp 1
Đối tượng trong đợt tiêm lần này là trẻ em hiện đang học tại các cơ sở mầm non, tiểu học (lớp 1) trên địa bàn thành phố năm học 2024-2025 được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản (VNNB) theo hướng dẫn của Bộ Y tế (bao gồm trẻ cả hệ thống trường công lập và tư thục). Việc triển khai được thực hiện đồng bộ tại tất cả các cơ sở giáo dục và Trạm Y tế xã, phường, giúp đảm bảo tiếp cận rộng rãi và thuận tiện cho phụ huynh, học sinh. Các trạm y tế sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu hồ sơ tiêm chủng và lập danh sách trẻ cần tiêm bù liều theo mẫu quy định. Danh sách này sẽ được thông báo đến các cơ sở giáo dục để lên kế hoạch triển khai cụ thể, bảo đảm mọi trẻ em đủ điều kiện đều được tiếp cận. Hoạt động tiêm chủng sẽ được triển khai theo đợt riêng biệt hoặc lồng ghép với các đợt tiêm chủng thường xuyên, linh hoạt tổ chức tại trường học hoặc trạm y tế tùy theo điều kiện thực tế. Mỗi buổi tiêm chủng không vượt quá 50 trẻ, riêng trường hợp chỉ tiêm một loại vắc xin có thể lên tới 100 trẻ/buổi. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế xây dựng phương án đảm bảo an toàn tiêm chủng, bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị cấp cứu và đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm. Mọi phản ứng nghiêm trọng sẽ được báo cáo nhanh trong vòng 24 giờ. Trong suốt quá trình triển khai, các đoàn công tác tuyến thành phố, quận, huyện sẽ tiến hành giám sát thường xuyên nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và quy định. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác điều hành, bố trí điểm tiêm, nhân lực, tiếp nhận và bảo quản vắc xin, cũng như công tác truyền thông, phối hợp giữa nhà trường và y tế. Toàn bộ dữ liệu tiêm chủng sẽ được cập nhật trên Hệ thống thông tin Tiêm chủng Quốc gia, đảm bảo theo dõi liên tục tình trạng tiêm chủng của từng trẻ. Việc triển khai tiêm chủng bù liều không chỉ nhằm nâng cao sức khỏe cá nhân trẻ mà còn góp phần hình thành miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trong trường học và cộng đồng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp đảm bảo năm học mới 2024–2025 được diễn ra an toàn, ổn định và thành công./.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp, do vi rút sởi gây ra.Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô...