Hưởng ứng tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm 2025 (24 - 30/4/2025)
Thứ bảy - 26/04/2025 05:02
Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm 2025 (24 - 30/4/2025) với chủ đề “Tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều có thể thực hiện được – Immunization for All is Humanly Possible”.
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2025, có chủ đề “Tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều có thể thực hiện được”, nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo ngày càng nhiều hơn trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, tất cả mọi đối tượng và cả cộng đồng đều có thể được bảo vệ khỏi các dịch bệnh bằng việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vắc-xin là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại. Trong vòng 50 năm qua, vắc-xin thiết yếu đã cứu sống ít nhất 154 triệu người, tức là 6 người được cứu sống mỗi phút, mỗi ngày. Trong năm thập kỷ qua, tiêm chủng chiếm 40% tình trạng cải thiện miễn dịch, nâng cao sức khỏe, tăng khả năng sống sót của trẻ sơ sinh, riêng vắc-xin Sởi đã cứu sống 60% số trẻ em đó. Tiêm chủng là việc đưa chất kháng nguyên (dưới dạng vắc xin) vào cơ thể nhằm kích thích hệ thống miễn dịch phát triển, sự miễn dịch thích ứng đối với một căn bệnh. Vắc xin có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện các hiệu ứng lây nhiễm của nhiều tác nhân gây bệnh. Hiện nay, một số bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như: Lao, Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà, Bại liệt, Sởi, Rubella, Viêm gan B, Viêm phổi, Viêm màng não mủ, Viêm não Nhật Bản B… Nếu trẻ không được bảo vệ bằng vắc xin thì rất dễ mắc bệnh, khi mắc bệnh thì nguy cơ bệnh tiến triển rất nặng dẫn đến biến chứng hoặc di chứng gây ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ, nặng hơn có thể gây tử vong. Ngoài ra, dịch bệnh còn có thể lây lan ở diện rộng gây nguy hiểm cho cộng đồng. Tại Việt Nam, năm 1985 Chương trình TCMR được Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Chương trình TCMR là dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế quốc gia, được triển khai trên toàn quốc, cung cấp vắc xin miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, với 6 loại gồm: Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt và Sởi. Tiêm chủng là cách an toàn và hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ em chống lại các dịch bệnh nguy hiểm chết người có thể phòng ngừa được. Đến năm 2010, Việt Nam đã có 11 vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình bao gồm vắc xin phòng bệnh Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B, Sởi, Viêm não Nhật Bản, Tả, Thương hàn, Viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib. Lợi ích của Chương trình TCMR nhằm giúp tạo miễn dịch để bảo vệ cơ thể trẻ một cách toàn diện, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và nhập viện với những biến chứng nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch không chỉ có tác dụng phòng bệnh đối với trẻ mà còn mang lại những lợi ích to lớn đối với gia đình, cộng đồng và xã hội. Góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ trong tương lai. TCMR là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc mà Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Chương trình TCMR tại Việt Nam được triển khai qua các giai đoạn: Từ năm 1981 đến 1984 - Giai đoạn thí điểm. Từ năm 1985 đến 1990 - Giai đoạn mở rộng dịch vụ tiêm chủng trong cả nước, khi kết thúc giai đoạn này đã có 40/40 tỉnh/thành (100%), 530/530 huyện (100%) triển khai dịch vụ TCMR. Tuy nhiên vẫn còn tới gần 400 xã ở các vùng miền núi/vùng sâu/vùng xa chưa triển khai được công tác tiêm chủng (3,6%); Từ 1991 đến 1995 - Giai đoạn xóa xã trắng về TCMR, Chương trình Kết hợp Quân dân y, đặc biệt là sự kết hợp giữa Quân y Bộ đội Biên phòng và Ngành Y tế, đến năm 1995 chương trình đạt được mục tiêu xoá xã trắng về TCMR, đây được coi là một thành công kỳ diệu của Ngành Y tế Việt Nam, trong khi đó nước ta có tới hơn 4.730 xã vùng biên giới/miền núi/hải đảo, chiếm 42,5% tổng số xã/phường trên toàn quốc. Từ 1996 đến nay - Giai đoạn duy trì và nâng cao chất lượng chương trình, trên cơ sở thành quả đã đạt được, từ năm 1996 đến nay Chương trình TCMR tập trung nâng cao chất lượng tiêm chủng và đề ra các mục tiêu: - Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt mức trên 90%. - Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên hàng tháng - Tăng cường chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ đối với những địa phương triển khai tiêm chủng gặp nhiều khó khăn như ở vùng sâu/vùng xa, miền núi/hải đảo. - Tranh thủ hỗ trợ quốc tế, đưa vào chương trình những vắc xin mới, lịch tiêm mới, kỹ thuật tốt hơn, tăng cường chất lượng dây chuyền lạnh và giám sát an toàn tiêm chủng. Tuy nhiên, những thành tựu này sẽ không bền vững có thể bị đe dọa. Trong những năm xảy ra đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, cũng giống như nhiều quốc gia khác, dịch vụ tiêm chủng thường xuyên ở Việt Nam cũng bị gián đoạn do việc thiếu hụt vắc xin. Khi trẻ em không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ thì nguy cơ mắc các bệnh dịch càng cao và bệnh càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy chúng ta cần tích cực hành động để thu hẹp khoảng trống miễn dịch và đảm bảo rằng vắc xin sẽ có đầy đủ và đến được với tất cả trẻ em ở mọi miền đất nước ngay hôm nay và cả trong tương lai. Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt trong lịch sử sức khỏe toàn cầu. Những thành quả khó khăn đạt được trong việc xóa sổ các căn bệnh có thể phòng ngừa thông qua tiêm chủng đang bị đe dọa. Nhiều thập kỷ nỗ lực hợp tác giữa các chính phủ, các cơ quan viện trợ, các nhà khoa học, nhân viên y tế và phụ huynh đã đưa chúng ta đến nơi chúng ta đang ở ngày hôm nay –– một thế giới mà chúng ta đã xóa sổ bệnh đậu mùa và gần như xóa sổ bệnh bại liệt. Với khẩu hiệu “Tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều có thể thực hiện được”, Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2025 hướng đến mục tiêu đảm bảo ngày càng nhiều trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và cộng đồng được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin. Đã đến lúc chứng minh với thế giới rằng việc tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều hoàn toàn có thể./.