Bệnh Sởi tăng cao tại Đà Nẵng, gần 61% trường hợp mắc Sởi chưa tiêm vắc xin Sởi dù đã đến tuổi
Thứ sáu - 04/04/2025 04:47
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng, 03 tháng đầu năm 2025, Đà Nẵng đã ghi nhận tới 3.100 ca sốt phát ban nghi Sởi. Trong số gần 990 ca nghi Sởi được xét nghiệm thì có hơn 87% được chẩn đoán là mắc Sởi (858 ca). Đáng chú ý, có tới 60,72% (521 trẻ) đã đến tuổi nhưng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi.
Miễn dịch cộng đồng chưa đầy đủ khiến dịch sởi bùng phát
Bệnh sởi đang vào chu kỳ 5 năm có thể xảy ra dịch lớn một lần do tích lũy các đối tượng chưa có miễn dịch đối với bệnh sởi trong cộng đồng. Theo TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế, việc kiểm soát bệnh sởi trong cộng đồng chỉ có thể thực hiện được khi tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu đạt ít nhất 95%. Tuy nhiên, tình trạng tiêm chủng không đầy đủ hoặc không tiêm chủng khiến số lượng người dễ mắc bệnh sởi ngày càng gia tăng, tạo ra khoảng trống miễn dịch và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Miễn dịch cộng đồng chưa đầy đủ trong khi tỷ lệ lây lan của sởi rất cao, vì thế việc bùng phát dịch là điều dễ hiểu. Hiện nay tại TP. Đà Nẵng, nhóm tuổi mắc sởi nhiều nhất là từ trên 5 tuổi đến 11 tuổi, chiếm 28%; nhóm trên 24 tháng tuổi đến 5 tuổi cao thứ hai với 23%. Nhóm trẻ trên 11 tuổi và người lớn cũng ghi nhận số ca mắc cao. Ngoài những trường hợp chưa tiêm vắc xin thì những trẻ mới tiêm một mũi hoặc chưa đến tuổi tiêm cũng mắc Sởi với tỷ lệ trên 10%.
Trong chiến dịch tiêm vắc xin Sởi miễn phí tại Đà Nẵng được tổ chức từ ngày 25-31/3/2025, nhóm trẻ trong độ tuổi 6 – 10 tuổi có nhu cầu tiêm chiếm số lượng khá lớn; đơn cử như quận Thanh Khê, độ tuổi này chiếm hơn một nửa. Đây là những trẻ chưa tiêm mũi nào hoặc tiêm chưa đầy đủ do cha mẹ quên lịch tiêm hoặc do dự việc tiêm chủng. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng là một trở ngại khiến tỷ lệ tiêm ở trẻ bị giảm. Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 cũng đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Bệnh Sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin là biện pháp dự phòng tốt nhất
Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; chủ yếu là điều trị triệu chứng và biến chứng, bổ sung vitamin A và đảm bảo dinh dưỡng. Việc phòng bệnh chủ động chủ yếu là nhờ vào tiêm 02 mũi vắc xin khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Hiệu quả của vắc xin phòng bệnh sởi là rất cao khi tiêm đủ mũi theo quy định, còn nếu chỉ tiêm một mũi thì hiệu quả phòng bệnh chỉ đạt 85%. Khi đã tiêm đủ mũi vắc xin, trẻ sẽ không có nguy cơ mắc sởi hoặc nếu nhiễm sởi sẽ biểu hiện rất nhẹ.
Trước khi có vắc xin, sởi là bệnh gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới. Tại nước ta, bệnh sởi lưu hành ở mọi nơi trong cả nước và phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Việc gây miễn dịch phòng bệnh sởi bằng một liều vắc xin sởi sống giảm độc lực được bắt đầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ năm 1985 và tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống từ 91/100.000 dân năm 1986 xuống 2,35/100.000 năm 2006. Nhờ vào việc triển khai tiêm vắc xin sởi rộng rãi trong nhiều năm qua, bệnh sởi đã được khống chế và giảm thiểu đáng kể tại nước ta. Việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ mà còn giúp ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng.
Bệnh sởi đã từng xảy ra những đợt dịch lớn, theo chu kỳ khoảng 5 năm, do sự tích lũy các đối tượng chưa có miễn dịch đối với bệnh sởi trong cộng đồng. Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch;
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ;
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ;
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường;
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện./.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp, do vi rút sởi gây ra.Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô...