Đà Nẵng Triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh uốn ván- bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng
Thứ hai - 11/11/2024 00:18
Sở Y tế Tp. Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 6498/KH - SYT gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các quận, huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng uốn ván- bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh uốn ván- bạch hầu trong chương trình TCMR, chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng về việc triển khai công tác y tế trường học năm học 2024-2025; theo đó, vắc xin phòng uốn ván- bạch hầu (Td) sẽ được đưa vào trong chương trình TCMR để tiêm cho trẻ em 7 tuổi trên địa bàn thành phố, thời gian triển khai từ năm 2024. Để tổ chức tiêm chủng đạt hiệu quả, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng GD&ĐT, Trung tâm Y tế, UBND các xã, phường, và các ban, ngành, đoàn thể liên quan lập kế hoạch, tổ chức rà soát đối tượng và tổ chức tốt hoạt động tiêm chủng vắc xin uốn ván- bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi trong chương trình TCMR bắt đầu từ tháng 11/2024 và các năm tiếp theo. Báo cáo kết quả triển khai về Sở Y tế thông qua CDC Đà Nẵng. Tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc chủ động tiêm chủng vắc xin phòng các bệnh trong chương trình TCMR. Bố trí kinh phí cho các hoạt động tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin uốn ván- bạch hầu (Td) theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 13/08/2024 về triển khai công tác TCMR tại thành phố Đà Nẵng năm 2024 Sở GD&ĐT chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện, và các đơn vị liên quan phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế tổ chức lập danh sách trẻ đủ 7 tuổi đang theo học lớp 2 tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố để rà soát và tiêm chủng vắc xin uốn ván- bạch hầu (Td). Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học phối hợp với các cơ quan y tế trên địa bàn tổ chức tiêm chủng vắc xin uốn ván- bạch hầu (Td) tại trường học khi có yêu cầu. Tăng cường các hoạt động truyền thông cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh về: lợi ích của việc tiêm vắc xin, đối tượng tiêm, loại vắc xin, tính an toàn của vắc xin, thời gian, địa điểm triển khai tiêm chủng khi có hướng dẫn cụ thể của ngành y tế. Sở Y tế Đà Nẵng giao CDC xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván- bạch hầu (Td) vào chương trình TCMR để tiêm cho trẻ em 7 tuổi trên địa bàn thành phố; hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, tổ chức thực hiện. Là đầu mối tiếp nhận vắc xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và thực hiện cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, để triển khai trong TCMR. Giám sát, hỗ trợ các quận, huyện, trong quá trình triển khai việc đưa vắc xin uốn ván- bạch hầu (Td) vào trong chương trình TCMR. Thực hiện tổng hợp kết quả và báo cáo theo đúng quy định. Uốn ván là bệnh nhiễm độc cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván gây ra. Trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương, vết trầy xước, vết thương nhiễm bẩn, v.v. bệnh uốn ván có tỷ lệ tử vong cao do bệnh gây nên các cơn co cứng cơ toàn thân trong đó có cơ hô hấpdẫn đến ngừng thở. Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bạch hầu là bệnh được đánh giá là rất nguy hiểm bởi nguy cơ lây lan nhanh và gây biến chứng nặng nề. Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm vắc xin Td cho trẻ em 7 tuổi vào Chương trình TCMR. Việc triển khai vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi trên phạm vi toàn quốc sẽ góp phần chủ động phòng bệnh uốn ván, bạch hầu ở trẻ em lứa tuổi học đường. Vắc xin Td là vắc xin có thành phần uốn ván, bạch hầu giảm liều sử dụng để phòng bệnh bạch hầu và uốn ván. Hiện nay vắc xin đã được sản xuất trong nước và có thể sử dụng cho đối tượng người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên. Triển khai tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi có vai trò quan trọng giúp củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Theo đó, để tăng tỉ lệ tiêm chủng, tạo miễn dịch phòng ngừa bệnh uốn ván, bạch hầu trong cộng đồng, giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh uốn ván và bạch hầu gây ra, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương cũng đã ban hành văn bản và tài liệu truyền thông kèm theo để các tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông về việc tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván, bạch hầu (Td) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024. Để đảm bảo công tác An toàn tiêm chủng, Ngành Y tế Khuyến cáo: Trước tiêm chủng: - Cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc xin, cung cấp thông tin cho cán bộ y tế khám sàng lọc về tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử tiêm chủng (mang theo sổ/phiếu tiêm chủng nếu có), - Thông báo phản ứng sau tiêm chủng của trẻ ở lần tiêm chủng trước để cán bộ y tế có chỉ định tiêm chủng phù hợp cho trẻ. - Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm chủng. Trong khi tiêm chủng: - Cho trẻ ngồi đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Với những trẻ có tâm lý lo lắng, sợ tiêm chủng thì cần có thầy cô giáo hoặc cha mẹ tư vấn, động viên để trẻ an tâm khi được tiêm chủng. Sau tiêm chủng: - Cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm để cán bộ y tế theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. - Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao (trên 39°C), co giật, phát ban, tím tái, khó thở, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...