Đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh Sởi tại Đà Nẵng

Thứ ba - 23/07/2024 21:36
Sởi là bệnh lưu hành rộng vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, mức độ lây lan rất nhanh nên dễ bùng phát thành dịch. Việc triển khai các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch và tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin Sởi, Sởi - Rubella cho nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ là rất cần thiết. Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng không để dịch Sởi quay trở lại và góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh Sởi cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai.
tiem phòng sởi

Tại Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã lên kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Sởi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2024, trong đó có mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi; giảm ca mắc bệnh và phát hiện sớm ổ dịch, không để lan rộng trong cộng đồng.
Dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ bệnh Sởi năm 2024 theo bộ công cụ của WHO và xét các yếu tố định tính tăng nặng nguy cơ, thành phố Đà Nẵng thuộc nguy cơ trung bình. Để đảm bảo đạt tỷ lệ bao phủ cộng đồng > 95% (≥ 95% trẻ em được tiêm vắc xin Sởi khi đủ 09 tháng tuổi và được tiêm vắc xin Sởi mũi 2 khi đủ 18 tháng tuổi); thành phố đã triển khai tiêm chủng dưới hình thức tiêm bù, tiêm vét lồng ghép trong chương trình tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại trạm y tế.
Theo đó, các đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho tất cả trẻ em thuộc diện cần tiêm chủng vắc xin Sởi, vắc xin Sởi - Rubella của năm 2023 chưa được tiêm chủng theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Thực hiện tốt công tác dự trù, sử dụng hiệu quả vắc xin TCMR được phân bổ.
Cùng với đó là tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng quản lý, thực hiện, báo cáo công tác tiêm vắc xin phòng bệnh chưa tốt để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh Sởi.
Tăng cường tham mưu, cung cấp thông tin để chính quyền, các lực lượng địa phương triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống các bệnh dự phòng bằng vắc xin trên địa bàn; Đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, không để xảy ra sai sót của cơ sở y tế trong quá trình tiêm chủng. Thực hiện tốt công tác giám sát, xử lý kịp thời nếu có các trường hợp phản ứng sau tiêm.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, đã có 707 trẻ được tiêm bù, tiêm vét vắc xin Sởi và vắc xin phối hợp Sởi – Rubella, trong đó Hòa Vang là địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất. Đây là những trẻ có danh sách tiêm trong năm 2023 nhưng chưa được tiêm. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến tháng 5/2024, toàn thành phố có hơn 12.400 trẻ được tiêm vắc xin Sởi; hơn 11.100 trẻ được tiêm mũi vắc xin phối hợp Sởi – Rubella.
Cùng với tiêm chủng, các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về bệnh Sởi và các biện pháp phòng bệnh cũng được đẩy mạnh.
Để ứng phó có hiệu quả với bệnh Sởi, các đơn vị y tế cũng được đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi Sởi và các trường nghi ngờ tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai thực hiện các biện pháp điều tra, giám sát dịch tễ, thông tin, báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các bệnh viện tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ điều trị, chăm sóc bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong; Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm để khẳng định chẩn đoán./.
                                                                                                    Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây