Vắc xin phòng bệnh Sốt xuất huyết: Vũ khí mới trong dự phòng Sốt xuất huyết tại Việt Nam
Thứ sáu - 04/10/2024 22:32
Vắc xin sốt xuất huyết do Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5/2024 đang được kỳ vọng là một giải pháp bổ sung hiệu quả, góp phần toàn diện hóa chiến lược phòng chống sốt xuất huyết hiện nay.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue lây truyền qua muỗi vằn. Bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng.
Sốt xuất huyết hiện đang lưu hành tại hơn 100 quốc gia, với khoảng 390 triệu ca nhiễm mỗi năm. Tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu tăng gấp 30 lần trong 50 năm do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và nhiều điều kiện thuận lợi cho di chuyển và lưu thông hàng hóa.
Theo WHO, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng từ sốt xuất huyết. Các chuyên gia cảnh báo, sốt xuất huyết Dengue đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi không còn mang tính chu kỳ, có xu hướng mở rộng các vùng lưu hành dịch.
Nếu trước đó, trong giai đoạn 1980-2018, Việt Nam ghi nhận đỉnh dịch 10 năm một lần, thì riêng giai đoạn 2019-2023, Việt Nam trải qua 2 đỉnh dịch vào năm 2019 (với hơn 300.000 ca) và năm 2022 (361.813 ca).
Sốt xuất huyết gây ra các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Bệnh có nguy cơ trở nặng vào giai đoạn hết sốt từ ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh khiến người bệnh dễ chủ quan. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, chủ yếu điều trị triệu chứng như chống sốc, lọc máu, thay huyết tương... Chi phí điều trị một ca mắc sốt xuất huyết nặng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt trẻ em thường không biết miêu tả triệu chứng bệnh, do đó bệnh thường phát hiện muộn gây khó khăn cho điều trị.
Virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh khác nhau, nhiễm lần đầu với bất kỳ một trong các tuýp huyết thanh được cho là sẽ tạo miễn dịch lâu dài nhưng có thể không kéo dài suốt đời và bảo vệ tạm thời, ước tính từ vài tháng đến 1-2 năm chống lại các tuýp huyết thanh khác. Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.
Việc đưa vắc xin sốt xuất huyết Dengue vào sử dụng cùng các biện pháp dự phòng truyền thống như kiểm soát véc-tơ, phòng chống muỗi đốt và nâng cao nhận thức cộng đồng là một bước tiến quan trọng đối với công cuộc phòng chống sốt xuất huyết Dengue.
Vắc xin có hiệu quả phòng bệnh trong nhiễm lần đầu và tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết, điều này có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi hiện số người từng mắc sốt xuất huyết ít nhất một lần khá cao.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành và sử dụng vắc xin phòng sốt xuất huyết do Takeda sản xuất cho người từ 4 tuổi trở lên. Vắc xin này đã được phê duyệt tại hơn 40 quốc gia, được tiêm dưới da dưới dạng liều 0,5 ml theo lịch trình hai liều (0 và 3 tháng).
Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy vắc xin có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), dành cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn, hiệu quả lên đến 80,2% tại thời điểm 12 tháng sau tiêm liều thứ hai. Vắc xin cũng có hiệu lực cao trong việc chống nhập viện do sốt xuất huyết, với tỷ lệ giảm lên đến 90,4% sau 18 tháng tiêm liều thứ hai. Trong một phân tích thăm dò, vắc xin đã chứng minh được hiệu lực vẫn duy trì ở mức 84% sau 54 tháng (4,5 năm).
Các thử nghiệm cho thấy, tác dụng phụ chính là đau tại chỗ tiêm, nhưng không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm tiêm vắc xin và nhóm giả dược (là các chất/can thiệp không có tác dụng, thường được sử dụng trong các nghiên cứu có đối chứng để so sánh với các thuốc có khả năng có hoạt tính tiềm năng). Các phản ứng phụ như sốt và phát ban thường nhẹ và tự khỏi mà không cần can thiệp y tế, chỉ cần Paracetamol trong một số trường hợp để giảm triệu chứng sốt. Tỷ lệ phản ứng nghiêm trọng dẫn đến dừng nghiên cứu rất thấp, dưới 0,1%
Bệnh sốt xuất huyết khó kiểm soát nguồn lây bởi người mắc sốt xuất huyết có thể không biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Theo nghiên cứu, 80% người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm sốt xuất huyết. Bệnh nặng khó dự đoán trước và có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo. Chính vì vậy, WHO kêu gọi bên cạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh, kiểm soát vector lây truyền bệnh, giám sát chặt chẽ bệnh, người dân cần tiêm chủng vắc xin để phòng bệnh hiệu quả.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...