Nga tuyên bố sản xuất thành công vắc xin: Cơn khát vắc xin có được giải quyết?
Thứ tư - 12/08/2020 23:56
Thế giới đã vượt qua mốc 20 triệu ca mắc Covid-19 và liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới về dịch bệnh. Tuy nhiên vắc xin phòng Covid-19 vẫn chưa xuất hiện, cho tới ngày 11/8.
Thế giới đã vượt qua mốc 20 triệu ca mắc Covid-19 và liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới về dịch bệnh. Tuy nhiên vắc xin phòng Covid-19 vẫn chưa xuất hiện, cho tới ngày 11/8.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp qua truyền hình với các bộ trưởng hôm 11/8 đã tuyên bố, Bộ Y tế Nga đã chính thức cấp phép vắc xin để phòng bệnh Covid-19. Tính đến thời điểm này, đây là loại vắc xin đầu tiên trên thế giới được cấp phép. Một trong hai người con gái của Tổng thống Nga Putin đã được tiêm vắc xin và cảm thấy khỏe mạnh.
Vắc xin có tên là "Sputnik V", do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển, được thử nghiệm lâm sàng từ ngày 18/6 ở 38 tình nguyện viên. Kết quả cho thấy, tất cả các tình nguyện viên đều xuất hiện miễn dịch, dấu hiệu cho biết vắc xin hoạt động hiệu quả. Nhóm tình nguyện đầu tiên cũng đã xuất viện ngày 15/7 và nhóm thứ hai xuất viện vào ngày 20/7.
20 quốc gia đã đặt hàng mua 1 tỷ liều vắc xin này. Theo các quan chức Nga, dự kiến vắc xin này sẽ được sản xuất tại Brazil, khu vực Mỹ Latinh vào tháng 11. Các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sớm bắt đầu tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Philippines. Trước đó, phát biểu tại họp báo ở Manila hôm 10/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông tình nguyện tiêm mũi vắc xin đầu tiên do Nga sản xuất.
Mỹ - nước có số ca mắc đứng đầu thế giới với hơn 5 triệu ca cũng đã ký hợp đồng với Công ty công nghệ sinh học Moderna trị giá 1,5 tỷ đô sau khi Nga công bố sản xuất thành công vắc xin. Công ty này hợp tác với Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba với một loại vắc xin Covid-19 tiềm năng có tên là mRNA-1273. Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo "Chúng tôi đang đạt được tiến bộ để nhanh chóng sản xuất 100 triệu liều ngay khi vắc xin được phê duyệt và sẽ lên đến 500 triệu ngay sau đó”.
Mặc dù nước Nga công bố đã tìm ra được loại vắc xin có thể phòng ngừa Covid-19, tuy nhiên nhiều nhà khoa học trên thế giới đã lên tiếng hoài nghi về tính hiệu quả của loại vắc xin này. Lý do lớn nhất đó là Bộ Y tế Nga đã phê duyệt sản phẩm trước khi thử nghiệm giai đoạn ba trên hàng nghìn tình nguyện viên. Thông thường, vắc xin sẽ được thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật như chuột hoặc khỉ, trước khi tiêm vắc xin cho người. Nếu khâu này diễn ra tốt đẹp, các nhà nghiên cứu sẽ cho thử nghiệm giai đoạn một trên khoảng vài chục tình nguyện viên. Trong quá trình chủng ngừa, họ được bác sĩ theo dõi kỹ lưỡng, xem xét nồng độ kháng thể sản sinh và đảm bảo không có bất kỳ phản ứng tiêu cực nào. Nếu thử nghiệm giai đoạn một không gây vấn đề nghiêm trọng, các nhà khoa học chuyển đến giai đoạn hai, tiêm thử cho hàng trăm người và tiến hành quan sát chi tiết hơn. Giai đoạn 3 sẽ tiến hành thử nghiệm trên hàng nghìn tình nguyện viên, thông thường, đây là khâu cực kỳ quan trọng để có được sự đồng ý của giới chức. Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho biết đang thảo luận với giới chức Nga về vắc xin mới. Theo ông, việc sơ tuyển bất cứ loại vắc xin nào cũng bao gồm quá trình xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả dữ liệu an toàn và hiệu quả cần có".
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay đã có 215 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc. Trước tình hình số ca mắc và tử vong liên tục tăng cao trên thế giới, các nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cuộc đua có được vắc xin phòng chống Covid-19 đã diễn ra tại nhiều nước nhằm sớm giải tỏa cơn khát vắc xin, cứu cánh cho hàng triệu người dân và nền kinh tế.
Dù Nga tuyên bố trở thành quốc gia dẫn đầu cuộc đua, hơn 10 nhà sản xuất khác trên khắp thế giới vẫn đang trong quá trình thực hiện thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia. Kể từ tháng 3 đến nay, có tổng cộng 29 loại vắc xin được thử nghiệm giai đoạn 2. Các công ty dẫn đầu bao gồm AstraZeneca, Moderna, Novavax và Pfizer, CanSino, SinoVac đã lần lượt chia sẻ những tín hiệu lạc quan. Tất cả chỉ phát hiện tác dụng phụ nhẹ và trung bình, không có vấn đề nghiêm trọng. Tình nguyện viên cũng sinh đủ kháng thể chống lại nCoV, thậm chí nhiều hơn người từng mắc Covid-19 ở một số trường hợp. Tất cả đều hy vọng sẽ thu được kết quả của nghiên cứu giai đoạn ba vào cuối năm nay. Song cho dù kết quả ban đầu hứa hẹn đến đâu, thử nghiệm giai đoạn ba trên hàng nghìn người vẫn có thể thất bại.