6 2 banner2 1

THOÁT VỊ BỊT: HIẾM GẶP VÀ NGUY HIỂM

Thứ sáu - 06/11/2020 02:24
Thoát vị bịt là một bệnh lý hiếm gặp (dưới 1% trong số các loại thoát vị), nguy cơ tử vong cao nhất trong các loại thoát vị thành bụng (13-40%). Thoát vị lỗ bịt xảy ra ở ống bịt hay còn gọi là ống dưới mu. Bệnh xảy ra khi các thành phần trong ổ bụng chui qua chỗ khuyết của lỗ bịt để đi vào ống bịt.
Thoát vị bịt là một bệnh lý hiếm gặp (dưới 1% trong số các loại thoát vị), nguy cơ tử vong cao nhất trong các loại thoát vị thành bụng (13-40%). Thoát vị lỗ bịt xảy ra ở ống bịt hay còn gọi là ống dưới mu. Bệnh xảy ra khi các thành phần trong ổ bụng chui qua chỗ khuyết của lỗ bịt để đi vào ống bịt.

     Các triệu chứng không đặc hiệu do đó việc chẩn đoán thoát vị bịt thường gặp khó khăn. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử đoạn ruột bị thoát vị, làm tăng tỷ lệ tử vong và biến chứng sau mổ nhất là ở người già có nhiều bệnh lý khác.
     Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguyên nhân thoát vị bịt được cho là sự lỏng lẻo của sàn chậu đi kèm với tuổi cao, giảm lượng mỡ của cơ thể (làm rộng lỗ bịt) và tăng áp lực ổ bụng (tình trạng táo bón kéo dài, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cổ trướng…).  
     Thoát vị bịt thường gặp ở phụ nữ đứng tuổi, gầy, rất ít khi gặp ở nam giới. Điều này được giải thích là kích thước của lỗ bịt và ống bịt của phụ nữ lớn hơn, lỗ sau ống bịt của phụ nữ phúc mạc bị kéo căng và dài hơn. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ : nam là 9:1.
      Rất hiếm gặp nhưng mới đây, một bệnh nhân nam là cụ ông 91 tuổi ở Đà Nẵng đã mắc căn bệnh này và may mắn được ekip bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiến hành cấp cứu bằng phẫu thuật nội soi, kịp thời cứu sống trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
      Bệnh nhân khi nhập viện bị đau bụng quặn từng cơn vùng quanh rốn, bụng chướng, kèm theo nôn ói, bí trung đại tiện. Được biết, bệnh nhân từng có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thể trạng gầy yếu, chỉ nặng 26 kg.
      Qua thăm khám, thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) phát hiện có quai ruột non chui qua và kẹt ở lỗ bịt bên phải, các quai ruột non giãn, đường kính từ 27-30mm. Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị thoát vị bịt bên phải nghẹt, chỉ định mổ cấp cứu bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng.

  0611203   0611204
           Ruột non chui qua lỗ bịt                               Lỗ bịt bên phải sau khi giải phóng quai ruột

  Quá trình phẫu thuật ghi nhận một quai ruột non dài khoảng 20cm, cách góc hồi manh tràng khoảng 80cm chui qua và bị nghẹt ở lỗ bịt bên phải. Sau khi giải phóng quai ruột non khỏi lỗ bịt, nhận thấy quai ruột còn hồng nên ekip thực hiện quyết định bảo tồn. Lỗ bịt sau đó được khâu lại bằng một mũi khâu vòng với chỉ prolene 2.0.
 
0611205
Bệnh nhân sau đó được điều trị ổn định và đã xuất viện
 
            Thoát vị bịt là bệnh lý hiếm gặp nhưng có tỉ lệ tử vong cao nhất trong các loại tắc ruột. Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất cho người bệnh bị thoát vị bịt. Trong trường hợp mổ cấp cứu, phẫu thuật qua đường mở bụng dưới rốn thường được ưa chuộng do nó dễ tiếp cận với lỗ bịt, thuận tiện cho việc giải phóng và xử trí quai ruột thoát vị. Gần đây nhờ sự phát triển của y học hiện đại, phẫu thuật nội soi trong điều trị thoát vị bịt đã trở thành một phương pháp điều trị hiệu quả.
                                                                                            Thư Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây