CẤP CỨU HAI TRƯỜNG HỢP HÓC DỊ VẬT ĐƯỜNG TIÊU HÓA TẠI BỆNH VIỆN ĐÀ NẴNG
Thứ ba - 17/11/2020 21:12
Hai trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa nguy hiểm đã được các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu thành công. Dị vật đường tiêu hóa thường gặp trong quá trình ăn uống, rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao.
Hai trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa nguy hiểm đã được các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu thành công. Dị vật đường tiêu hóa thường gặp trong quá trình ăn uống, rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao.
Khi đang ăn, Đ.T.H. (18 tuổi), ngụ quận Thanh Khê, không may nuốt phải muỗng nhựa. Sau đó, T.H. bị đau bụng thượng vị, buồn nôn và nhập viện cấp cứu. Qua chụp CT Scan bụng, Xquang bụng đứng, ghi nhận dị vật cản quang trong lòng dạ dày bệnh nhân. Bệnh nhân được hội chẩn liên chuyên khoa, thống nhất thực hiện nội soi thực quản dạ dày có gây mê để gắp dị vật. Các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa đã tiến hành thủ thuật nội soi dạ dày lấy dị vật và lấy ra một muỗng nhựa dài khoảng 12 cm, rộng khoảng 2,5 cm.
(Dị vật được lấy ra khỏi bụng bệnh nhân)
Tiếp sau đó, Bệnh viện Đà Nẵng cũng tiếp nhận một trường hợp hóc dị vật khác. Bệnh nhân là V.T.T. (74 tuổi) cũng ngụ quận Thanh Khê, vào viện trong tình trạng đau bụng hạ vị kèm đại tiện phân lỏng. Bệnh nhân cho biết, cách 2 tuần có nuốt dị vật răng giả.
Kết quả chụp CT scan bụng có dị vật cản quang gây viêm và thủng đại tràng sigma, viêm phúc mạc khu trú. Bệnh nhân được hội chẩn bác sĩ trực Ngoại tiêu hóa, chuyển mổ cấp cứu lấy dị vật ra ngoài là cung răng gắn 3 răng giả, làm hậu môn nhân tạo
(Hình ảnh CT scan bụng bệnh nhân V.T.T)
Dị vật đường tiêu hóa thường gặp trong quá trình ăn uống, rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Dị vật hay gặp nhất là xương động vật (cá, gia cầm, lợn...) cũng như hàm răng giả, hiếm gặp hơn có thể là các dụng cụ ăn uống, các vật dụng thường ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mắc dị vật này, tuy nhiên bệnh chủ yếu xuất hiện do những yếu tố như ăn vội vàng, cười đùa trong khi ăn; ngậm các dị vật nhỏ vô tình nuốt; người mang răng giả…
Để phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa, Ths.Bs.CKII Nguyễn Văn Xứng, trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo: không nên ăn uống vội vàng, hạn chế nói chuyện và cười đùa trong khi ăn, tránh thức ăn có lẫn xương. Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn.
Khi người bệnh mắc dị vật đường tiêu hóa, không nên chữa mẹo mà hãy nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và xử trí, tránh để lại những biến chứng nguy hiểm.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...