Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn còn cao, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tác nhân gây bệnh Khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Tác hại của thuốc lá Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, hô hấp và nhiều cơ quan khác. Người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, ung thư phổi, viêm họng, … Hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú đối với phụ nữ. Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc của người hút thải ra. Dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy vất vưởng trong không khí lâu hơn và nồng độ của những chất gây ung thư cao hơn so với dòng khói thuốc thở ra từ người hút. Vì vậy, hút thuốc thụ động cũng độc không kém người hút. Những người không hút thuốc nhưng phải chung sống hay cùng làm việc với người hút thuốc lá. Khói thuốc lá đặc biệt có hại cho trẻ em - đối tượng không trực tiếp sử dụng thuốc lá nhưng lại dễ bị hút thuốc thụ động do người lớn vô tình tạo ra. Có không ít người hút thuốc khi giữ trẻ, cho trẻ ăn mà không biết rằng, khói thuốc phả ra từ đầu điếu thuốc cũng độc không kém gì khói mà người hút hít vào. Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ mang thai hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc từ người hút xung quanh cũng khiến cho bào thai bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ hút thuốc thụ động có nguy cơ lớn bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bao gồm viêm phế quản và viêm phổi, làm trầm trọng bệnh hen suyễn, bị nhiễm trùng... Hút thuốc có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của bào thai, trẻ sinh ra bị nhẹ cân hoặc đột tử, dị ứng ở trẻ nhỏ và giảm khả năng trí tuệ của trẻ... Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khói thuốc là một tác nhân cực độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ nhỏ, thậm chí có thể khiến bị sảy thai. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Tây Ban Nha giai đoạn 2011-2012, với 2.357 hộ gia đình có trẻ 4-8 tuổi cho thấy, trẻ lớn lên trong môi trường thường xuyên có khói thuốc lá sẽ gặp nguy cơ mắc phải chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cao hơn gấp ba lần so với bình thường. Tỷ lệ còn cao hơn nữa đối với những trẻ hít khói thuốc vài giờ mỗi ngày. Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Ung thư Roswell Park, Mỹ trên 80.000 phụ nữ, trong đó 6,3% là người hút thuốc lá, 43% từng hút thuốc và khoảng 51% người không hút thuốc. Kết quả cho thấy, những phụ nữ hút thuốc đối mặt với nguy cơ sảy thai cao hơn 16%, khả năng thai chết non cao hơn 44%, nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn 43% so với người không hút thuốc. Với những phụ nữ có tiếp xúc với khói thuốc lá, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhóm phụ nữ này có nguy cơ sảy thai cao hơn 17%, nguy cơ mang thai chết lưu cao hơn 55% và nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn 61% so với những phụ nữ không tiếp xúc với khói thuốc. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì một cộng đồng không khói thuốc, vì sức khỏe của mỗi người, vì tương lai con em chúng ta, hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ. Anh Thơ (Tổng hợp)
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...