6 2 banner2 1

HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TẠI NHÀ CHO TRẺ BỊ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Thứ ba - 06/04/2021 00:30
Trong tháng ba và đầu tháng tư năm nay, theo báo cáo ca bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh tại Đà Nẵng, bệnh Tay chân miệng (TCM) đang có chiều hướng gia tăng và nguy cơ bùng phát thành dịch làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em.
0604214
(Hình minh họa trẻ bị bệnh TCM)

Hầu hết những trẻ mắc bệnh Tay chân miệng mức độ nhẹ đều được bác sĩ tư vấn cho các gia đình tự theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà theo những nguyên tắc quan trọng như sau:
1. Thực hiện việc cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh – trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm
- Trẻ xác định đã mắc bệnh TCM phải được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường.
- Nếu gia đình có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh bằng nhiều cách tùy theo hoàn cảnh gia đình như gởi trẻ lành tạm thời ở một nơi khác, khuyến khích trẻ bệnh không nên chơi chung với trẻ lành trong thời gian mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ các hoạt động của trẻ bệnh trong sinh hoạt thường nhật.
- Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh.
- Sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.
2. Thực hiện việc giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ bệnh giúp trẻ mau lành bệnh
- Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng nước sạch giúp hạn chế sự lan truyền bệnh TCM cho trẻ lành và ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm vi khuẩn có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ.
- Khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa sự tái nhiễm bệnh TCM qua đường tay – miệng nhằm loại bớt sự bám dính của vi rút gây bệnh tay chân miệng trên đôi tay của trẻ.
- Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.
- Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn…nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
 
0604215
CBYT hướng dẫn cách tự theo dõi và chăm sóc trẻ bị TCM

3. Tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ khỏe mạnh hơn
- Người chăm sóc trẻ như cha mẹ, ông bà, người giữ trẻ…cần giữ sạch đôi tay qua việc rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi làm vệ sinh, thay tã lót cho trẻ nhằm hạn chế sự gieo rắc vi rút gây bệnh TCM cho những trẻ lành khác trong gia đình.
- Đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ cần phải được tẩy trùng sạch sẽ bằng những dung dịch sát khuẩn được ngành Y tế khuyên dùng như dung dịch Cloramin B 2%, dung dịch nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn để tạo tính an toàn cho trẻ khi sử dụng.
4. Sử dụng thuốc điều trị tại nhà cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
Hiện tại bệnh TCM chưa có thuốc đặc trị, điều trị cơ bản chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm:
- Giảm đau miệng và hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10 – 15mg/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ, tuyệt đối không sử dụng Aspirine để hạ sốt, giảm đau cho trẻ em.
- Có thể sử dụng Antacide dạng gel chấm vào sang thương ở miệng giúp trẻ bớt đau đớn để ăn uống dễ dàng hơn, phụ huynh lưu ý nguy cơ hít sặc có thể xảy ra khi sử dụng loại thuốc gel này.
- Giảm ngứa cho trẻ bằng các loại thuốc kháng histamine thông thường như Chlorpheniramine, Theralene...theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Bổ sung nguồn nước uống cho trẻ nhất là các loại nước trái cây ép chứa nhiều vitamin.
5. Đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế đảm trách việc điều trị bệnh nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau:
- Sốt cao liên tục 39oC không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực.
- Giật mình chới với, hốt hỏang, thất thần.
- Run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm).
- Yếu chi.
- Trẻ đi đứng loạng choạng.
- Trẻ đảo mắt bất thường.
- Nôn ói nhiều.
- Quấy khóc (dỗ không nín).
- Co giật.
- Thở mệt.
Chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng cũng là một trong những biện pháp dự phòng hữu hiệu và sẽ giúp cho trẻ mắc TCM có được sức khỏe tốt. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để trẻ được điều trị kịp thời và có hướng dẫn các biện pháp xử trí, chăm sóc hợp lý nhất cho trẻ./.
Bs Thân Văn Chín-TTKSBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây