Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, tương tự như HIV nhưng nó có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nhiều người do thiếu kiến thức hoặc e ngại đi khám nên khiến cơ thể phải chịu những tổn thương vĩnh viễn do giang mai gây ra.
Giang mai là bệnh lây qua đường tình dục và có thể chữa khỏi
Giang mai là bệnh do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra, dễ lây lan. Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục (90%). Đa số các cách quan hệ tình dục (đường âm đạo, hậu môn hay miệng) đều là nguyên nhân lây truyền bệnh giang mai. Giang mai còn lây truyền do tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai qua các vết xước trên da, niêm mạc; lây từ mẹ sang con do xoắn khuẩn giang mai xâm nhập máu thai nhi qua rau thai và lây truyền do truyền máu hay qua các dụng cụ tiêm, chích bị nhiễm bệnh. Tại nước ta, thống kê hàng năm của Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, bệnh giang mai chiếm khoảng 2 - 5% tổng số các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
Tùy theo từng giai đoạn hoặc thời kỳ khác nhau mà bệnh giang mai có các triệu chứng khác nhau: Giai đoạn 1: Biểu hiện chính là vết loét, còn gọi là săng giang mai tại bộ phận sinh dục như ở quy đầu (với nam), môi lớn, môi bé, âm đạo, cổ tử cung (với nữ). Vết loét có đặc điểm nông, hình tròn hay bầu dục, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ; đáy vết loét thâm nhiễm cứng và kèm theo nổi hạch hai bên vùng bẹn, cứng và không đau. Vết loét này có thể biến mất sau 6 đến 8 tuần kể cả không điều trị nên nhiều người tưởng lầm là khỏi bệnh, nhưng thực sự là vi khuẩn đã vào máu, bệnh vẫn tiếp tục phát triển với những biểu hiện khác. Đây là giai đoạn rất quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời. Giai đoạn 2: Thường bắt đầu sau khi có vết loét từ 6-9 tháng, chủ yếu biểu hiện bằng các tổn thương trên da với các nốt ban màu hồng như hoa đào (đào ban), vết sẩn, nốt phỏng nước, vết loét ở da và niêm mạc.
(Tổn thương da do Giang mai)
Giai đoạn 3: Giang mai phát triển trong các phủ tạng như não, gan, cơ bắp tim mạch …, gây nên các bệnh cảnh khác nhau tùy bộ phận cơ thể bị nhiễm bệnh.
Với phụ nữ mang thai, giang mai có thể gây sẩy thai, làm thai chết lưu, dị dạng. Khi sinh ra đời, đứa trẻ có thể bị điếc, mắc các bệnh về khớp và bị giang mai bẩm sinh.
Giang mai là bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh giang mai đặc biệt quan trọng cho việc điều trị. Khi nghi vấn bị giang mai, người bệnh không nên dấu diếm mà hãy đi khám ngay. Người bệnh và bạn tình phải cùng điều trị để ngăn ngừa tái phát và lây lan. Giang mai và HIV
Có thể nói, giang mai và HIV là bạn đồng hành của nhau, tức là người nhiễm HIV có nguy cơ cao hoặc đồng thời cũng nhiễm giang mai và ngược lại do đây là hai bệnh có cơ chế lây truyền giống nhau (quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con).
Do vậy, cách tốt nhất dự phòng lây nhiễm HIV và giang mai là quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, xét nghiệm HIV đồng thời với xét nghiệm sàng lọc giang mai định kỳ cũng là cần thiết để đảm bảo không mắc các bệnh này, hoặc nếu mắc bệnh sẽ được điều trị sớm, kịp thời để tránh các biến chứng cũng như không làm lây truyền bệnh cho người khác.
Đối với HIV, hiện nay có thuốc kháng virus điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) có thể dự phòng để không bị lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, giang mai và nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, viêm gan v.v… lại không có thuốc dự phòng. Chính vì vậy, thực hiện tình dục an toàn hay sử dụng bao cao su thường xuyên đúng cách vẫn là biện pháp dự phòng hữu hiệu với cả giang mai và HIV.