6 2 banner2 1

Để tiến đến mục tiêu “không còn trẻ em nhiễm HIV”!

Thứ hai - 15/06/2020 22:02
HIV là vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Thuốc kháng virut (ARV) đã được nghiên cứu và đưa vào sử dụng trên thế giới từ năm 1985 có tác dụng làm chậm sự nhân lên của HIV trong cơ thể, bảo vệ hệ thống miễn dịch và làm giảm khả năng mắc các nhiễm trùng cơ hội, nhờ đó đã góp phần giảm thiểu tiến triển nặng của người bệnh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người nhiễm HIV.
     HIV là vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Thuốc kháng virut (ARV) đã được nghiên cứu và đưa vào sử dụng trên thế giới từ năm 1985 có tác dụng làm chậm sự nhân lên của HIV trong cơ thể, bảo vệ hệ thống miễn dịch và làm giảm khả năng mắc các nhiễm trùng cơ hội, nhờ đó đã góp phần giảm thiểu tiến triển nặng của người bệnh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người nhiễm HIV.
     Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc-xin chủng ngừa. Điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể làm chậm tiến trình của bệnh và kéo dài tuổi thọ của người bệnh thêm nhiều năm, thậm chí đến 50 năm nếu uống đều đặn và đủ liều. Do đó, chúng ta cũng nhận thức rõ một điều rằng: Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh!
 
20191129 125411 980209 tre co hiv max 1800x1800

     Chúng ta biết rằng: bào thai không có những hành vi nguy cơ nhưng bào thai có nguy cơ nhiễm vi rút HIV lây truyền từ mẹ. Người mẹ nhiễm HIV có thể lây truyền cho con qua bánh nhau trong thai kỳ, khi chuyển dạ đẻ hoặc qua sữa mẹ. Đa số trẻ nhiễm HIV hiện nay là do mẹ nhiễm truyền sang. Nếu không được điều trị dự phòng, tỷ lệ lây truyền HIV chu sinh là khoảng  25-40%. Ước tính tỷ lệ lây trong từng giai đoạn cụ thể như sau:
- Khi thai còn trong tử cung: 25%
- Trong giai đoạn chuyển dạ: 50%
- Sau sinh cho con bú: 25%

Những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể kể ra:
- Tải lượng vi rút trong máu mẹ có liên quan tỷ lệ thuận với tỷ lệ lây truyền cho con. Nguy cơ càng cao khi người mẹ trong giai đoạn mới nhiễm hoặc giai đoạn cuối.
- Đồng nhiễm các bệnh khác, chẳng hạn viêm nhiễm đường sinh sản, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Trẻ sinh non có nguy cơ nhiễm từ mẹ cao hơn trẻ sinh đủ tháng
- Các can thiệp sản khoa lúc chuyển dạ đều có thể làm tăng nguy cơ phơi nhiễm của thai với HIV trong máu và dịch âm đạo của mẹ
- Trẻ bú mẹ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn không bú mẹ...
     Ước tính trung bình mỗi năm ở nước ta có từ 1,5-2 triệu phụ nữ mang thai. Với tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 0,1% trong nhóm này thì mỗi năm có khoảng từ 1500-2.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nếu không được can thiệp mỗi năm sẽ có 700-1000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được sàng lọc phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm dưới 2%. Nghĩa là mỗi năm chỉ còn khoảng 15-20 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Hàng ngàn trẻ sẽ được cứu thoát khỏi HIV một cách ngoạn mục.
     Từ năm 2009, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống ma túy, mại dâm đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tháng cao điểm dự phòng lây truyền từ mẹ sang con hướng đến mục tiêu huy động sự quan tâm của toàn xã hội, của gia đình đến chương trình, phối hợp cùng ngành y tế với quyết tâm ngăn chặn đại dịch này ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của nhân loại, của đất nước. Tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2010 là 10,8%. 5 năm sau (2015) tỷ lệ này giảm xuống còn 2,8%, và đến cuối năm 2018 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,93%, đạt tiêu chuẩn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tại thành phố Đà Nẵng, số liệu quản lý chương trình cho thấy: giai đoạn 2006-2010 có đến 12 trẻ nhiễm HIV từ mẹ nhưng với những can thiệp dự phòng hiệu quả, 5 năm sau (2011-2015) chỉ có 1 trẻ nhiễm HIV và từ 2015 đến nay chỉ ghi nhận 1 trường hợp trẻ nhiễm HIV. Như vậy, kết quả của chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con thật sự đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc HIV chung trong cộng đồng ở tương lai.
     Chìa khóa vàng giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con chính là việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm nhiễm HIV kết hợp với điều trị dự phòng bằng ARV sớm và đầy đủ, là yếu tố mang tính quyết định. Phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV nên xét nghiệm sàng lọc trước khi có thai hoặc xét nghiệm sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ để được tiếp cận điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV. Phụ nữ đã nhiễm HIV đang tham gia điều trị ARV, nếu có nguyện vọng sinh con cần được tư vấn y tế để cân nhắc chọn thời điểm có thai thích hợp, tốt nhất là khi tải lượng virut trong máu ở mức thấp, dưới ngưỡng phát hiện để giảm nguy cơ lây truyền cho con, đồng thời tiếp tục tuân thủ hướng dẫn điều trị ARV cho mẹ và con, được tư vấn chăm sóc dinh dưỡng thích hợp để giữ gìn sức khỏe của mẹ và con.
     Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được phát triển khỏe mạnh, không mắc các bệnh có thể phòng tránh được, trong đó có bệnh HIV lây truyền từ mẹ sang con.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây