Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay diễn ra từ 01/6 đến 30/6 với chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”. Hưởng ứng tháng cao điểm này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay diễn ra từ 01/6 đến 30/6 với chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”. Hưởng ứng tháng cao điểm này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Một đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh là mong muốn của bất kỳ bậc cha mẹ nào, đặc biệt là với các ông bố bà mẹ bị nhiễm HIV. Đến nay nhờ những can thiệp dự phòng lây nhiễm từ mẹ nên tỷ lệ trẻ truyền HIV từ mẹ giảm hẳn, nhiều phụ nữ nhiễm HIV đã có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Tại Đà Nẵng, mỗi năm có khoảng 16 ngàn phụ nữ mang thai. Với tỷ lệ mắc HIV trong nhóm này từ 0,2 – 0,3% thì có thể ước tính được rằng số phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể từ 30 đến 50. Và như vậy có thể có 15- 20 trẻ em sinh ra từ phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu như không có những biện pháp can thiệp để giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
BSCKI. Trần Nguyễn Thu Thảo – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng cho biết “Từ năm 2009 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cùng với những can thiệp để xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV, can thiệp điều trị sớm bằng thuốc kháng virus, tư vấn cho bà mẹ chọn nơi sinh hợp lý để có thể điều trị tiếp tục thuốc kháng virus cho mẹ và cho trẻ sau sinh, cũng như quá trình theo dõi liên tiếp bà mẹ và trẻ sau sinh được điều trị bằng thuốc kháng virus nếu như em bé đó bị nhiễm HIV từ mẹ nên tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Đà Nẵng đã giảm rất nhiều”.
Hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, các đơn vị y tế đã tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng trên các phương tiện truyền thông đại chúng qua đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử, website của các cơ sở y tế, xe truyền thông lưu động, treo băng rôn tại các phòng khám thai, khoa sinh; Tổ chức các lớp tập huấn tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai cho cán bộ y tế các tuyến vừa nâng cao năng lực tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV vừa định hướng, thúc đẩy nội dung hoạt động mới nhằm dự phòng 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con. Ngoài ra, trung tâm cũng đã tổ chức những đợt giám sát trọng điểm tại các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện tuyến quận/huyện và các bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố để hỗ trợ và phối hợp tổ chức các quy trình, quy chế về chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tại Bệnh viện Tâm Trí cũng triển khai nhiều hoạt động để hưởng ứng Tháng cao điểm này, Theo BS. Trần Nguyên Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng thì “Bệnh viện Tâm trí cũng luôn luôn triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đặc biệt tháng 6 là tháng cao điểm của chương trình nên chúng tôi tăng cường tư vấn cho bà mẹ mang thai và các cặp vợ chồng có ý định sinh con về các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, tư vấn bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sàng lọc. Ngoài bệnh HIV, chúng tôi còn tư vấn cho các bà mẹ tầm soát một số bệnh truyền nhiễm khác như: Viêm gan B, Giang mai”.
Chìa khóa vàng giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con chính là việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm nhiễm HIV kết hợp với điều trị dự phòng bằng ARV sớm và đầy đủ. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và con sinh ra không bị lây nhiễm HIV, sản phụ nên tầm soát HIV. Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con” nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.