TỶ LỆ NHIỄM HIV TRONG CỘNG ĐỒNG TẠI ĐÀ NẴNG ĐƯỢC DUY TRÌ Ở MỨC DƯỚI 0,1%

Thứ ba - 12/01/2021 02:20
Tháng 4 năm 1993, Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên. Tính đến nay đã gần 30 năm thành phố đương đầu với dịch HIV/AIDS. Việc triển khai tích cực và hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã làm cho tình hình dịch HIV/AIDS tại Đà Nẵng ngày càng được kiểm soát tốt. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư được duy trì ở mức dưới 0,1% theo như mục tiêu đã đề ra.
          Nhằm đối phó với đại dịch HIV/AIDS, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; hệ thống phòng chống HIV/AIDS cũng không ngừng được kiện toàn, tăng cả về số lượng và chất lượng. Huy động được sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội vào công tác phòng chống HIV/AIDS. Các hoạt động dự phòng chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV được triển khai mở rộng.
 
1201211

          Truyền thông và can thiệp giảm tác hại là hai trong số những biện pháp được Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện những năm qua. Ngoài tuyên truyền trên báo đài và lưu động tại cộng đồng, thành phố đã đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS ở cộng đồng dân cư với việc thúc đẩy hoạt động của các nhóm nòng cốt. Bên cạnh đó là duy trì các nhóm cộng tác viên, đồng đẳng viên là những cánh tay nối dài, giúp công tác tuyên truyền đến từng người dân hiệu quả hơn. Thành phố cũng thực hiện tốt chương trình 100% bao cao su tại các cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí cùng với chương trình cấp phát bơm kim tiêm sạch. Việc cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được thực hiện hiệu quả, hiện đang điều trị cho gần 300 bệnh nhân tại 2 cơ sở Methadone. Cùng với can thiệp giảm tác hại, công tác xét nghiệm, giám sát dịch HIV/AIDS cũng có nhiều chuyển biến. Hiện nay, toàn thành phố có 7 phòng xét nghiệm sàng lọc; 03 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện và 1 phòng xét nghiệm khẳng định; xét nghiệm cho hàng ngàn lượt người mỗi năm.
          Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên, đến nay, Đà Nẵng đã phát hiện 2.849 ca nhiễm HIV, trong đó trên 50% là người Đà Nẵng. Hiện bảo hiểm y tế đang là nguồn kinh phí chủ yếu chi trả trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị người bệnh liên quan đến HIV/AIDS. Bảo hiểm y tế đã thanh toán điều trị ARV mà trước đây được cấp bằng viện trợ quốc tế. Ngoài ra, bảo hiểm y tế cũng thanh toán các xét nghiệm quan đến HIV/AIDS. 93% bệnh nhân điều trị ARV tại thành phố trên 36 tháng có tải lượng virus HIV thấp dưới ngưỡng ức chế, làm giảm sự lây lan HIV cho người thân, gia đình và cộng đồng. Số người nhiễm mới liên tục duy trì ở mức khoảng 100 trường hợp mỗi năm. Giảm được số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm tử vong do AIDS. 70% phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm sàng lọc HIV miễn phí trong thai kỳ.
 
1201212
Tư vấn cho người nhiễm HIV
          Theo BS CKI. Lê Thành Chung – PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thì Đà Nẵng đã và đang từng bước lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám, chữa bệnh nói chung; lồng ghép cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS vào hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện. Bên cạnh đó là mở rộng độ bao phủ các xét nghiệm theo dõi điều trị HIV/AIDS, giám sát HIV kháng thuốc và lồng ghép theo dõi, cảnh báo sớm HIV kháng thuốc vào quản lý chất lượng điều trị.
          Có thể khẳng định, trong những năm qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động dự phòng và chăm sóc, điều trị hiệu quả. Giảm và kiềm chế tốc độ gia tăng HIV/AIDS, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh là thành tựu quan trọng và đáng ghi nhận nhất sau gần 30 năm thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS tại thành phố Đà Nẵng.
                                                                             Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây