Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh Dại 28/9: Tuyệt đối không chủ quan với bệnh dại

Thứ ba - 28/09/2021 04:30
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ động vật sang người, chủ yếu qua các vết cắn do động vật mang virus dại. Nếu không điều trị, dự phòng kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2017 – tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 2,5 triệu người bị phơi nhiễm với bệnh dại do động vật cắn, trong đó có 374 người tử vong vì bệnh Dại tại 49/63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi năm có 75 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016 (438 người tử vong tại 48/63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 88 người tử vong).
Nguyên nhân gây bệnh dại
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus dại cấp tính (Rhabdovirus), gây độc hệ thần kinh trung ương, do lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thông thường là nước bọt từ động vật mắc dại. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. 
Bệnh dại lây lan qua vết cắn từ động vật bị nhiễm bệnh. Nó cũng có thể lây lan nếu nước bọt của động vật mắc dại tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của người (như vết xước hoặc vết trầy xước). 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Việt Nam là do chó cắn. 
Biểu hiện của bệnh dại
Ngay khi bị nhiễm virus, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, vã mồ hôi, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh. Thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. 
Xử trí kịp thời khi bị động vật nghi dại cắn  
Nếu không may bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cần phải rửa vết thương ngay với xà phòng và xả dưới với nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
Sau đó tiếp tục rửa kỹ vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod. Điều này giúp giảm và tiêu diệt bớt lượng virus dại bị lây nhiễm qua vết cắn. Lưu ý tránh làm tổn thương rộng hơn, không gây dập nát vết thương, cũng không khâu kín ngay vết thương. 
Khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin ngừa dại. Tùy theo vị trí vết cắn gần thần kinh trung ương như vùng đầu, mặt, cổ, vai, ngực, lưng và vùng có nhiều dây thần kinh như đầu ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục hoặc vết thương sâu, nhiều vết cắn... bệnh nhân có thể được tiêm thêm huyết thanh kháng dại tại nơi vết thương.
Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian.  Những biện pháp này không những không mang lại hiệu quả mà còn làm mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác do làm bẩn vết thương.
benh dai

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi./.
                                                                                                ThS. Nguyễn Hữu Quý

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây