Ngoài những thông tin hướng dẫn chuẩn bị trước và sau tiêm vắc xin COVID-19 trên những kênh thông tin chính thống, vẫn còn một số vấn đề cộng đồng quan tâm mong có được thông tin đầy đủ. Sau đây, chúng tôi xin trả lời một số câu hỏi thường hay gặp nhất.
Hỏi: Tôi đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nhưng sau đó có triệu chứng nghi COVID-19, tôi có cần khai báo y tế và làm xét nghiệm PCR? Đáp: Cần, vì bạn vẫn có thể mắc COVID-19 dù tỷ lệ thấp hơn, nếu bạn có triệu chứng nghi COVID-19 (sốt, ho đau họng, mất khứu giác, khó thở…) cần khai báo y tế và làm xét nghiệm PCR chẩn đoán xác định sớm. Hỏi: Sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ liều, tôi có cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa không (giữ khoảng cách, khẩu trang, rửa khử khuẩn tay… 5K)? Đáp: Có, vì bạn vẫn có thể mắc COVID-19 dù tỷ lệ thấp hơn, và vẫn có thể làm lây truyền virus cho người khác, nếu không may bạn bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Hỏi: Tôi muốn thấy được tính hiệu quả sau tiêm vắc xin, vậy có cần thiết làm test nhanh kháng thể sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19? Đáp: Không cần thiết, do việc làm test nhanh kháng thể sau tiêm phòng COVID-19 không đem lại thông tin phục vụ hiệu quả cho phòng ngừa COVID-19. Nếu test nhanh kháng thể dương tính, chưa chắc bạn đã được bảo vệ an toàn đối với COVID-19, do test nhanh kháng thể dương tính chỉ nói lên bạn đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 do mắc phải trước đó hay cơ thể sinh ra kháng thể sau tiêm phòng vắc xin. Ngoài ra, test nhanh kháng thể chỉ định tính, không định lượng được lượng kháng thể, vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận khả năng miễn dịch của bạn đã đạt yêu cầu hay chưa. Nếu test nhanh kháng thể âm tính, cũng không nói là cơ thể chưa được bảo vệ, do ngoài kháng thể tạo ra mà bạn mong đợi sau tiêm vắc xin, cơ thể còn được bảo vệ bằng nhiều tế bào miễn dịch khác đối với virus SARS-CoV-2. Hiện tại, không khuyến cáo làm test nhanh kháng thể cho những người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Hỏi: Sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19, làm xét nghiệm PCR có cho kết quả dương tính không? Đáp: Không, vắc xin ngừa COVID-19 không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm PCR dùng để chẩn đoán xác định nhiễm virus SARS-CoV-2. Bản chất của xét nghiệm PCR là tìm kháng nguyên (mRNA) của virus SARS-CoV-2. Mặc dù, những vắc xin sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer và Moderna, có chứa mRNA nhưng chỉ rất nhỏ, vì vậy xét nghiệm PCR sẽ không phát hiện được. Hỏi: Sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ liều, tôi vẫn có thể mắc bệnh COVID-19 không? Đáp: Có thể, nhưng bệnh nhẹ hơn và ít chuyển nặng, giảm tỷ lệ nhập viện và giảm tỷ lệ tử vong. Hỏi: Sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ liều, tôi có thể lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho người khác không? Đáp: Có thể, mặc dù đủ liều vắc xin ngừa COVID-19, bạn vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng có thể không có triệu chứng, vô tình bạn trở thành "người lành mang virus" và vẫn có thể phát tán, lây truyền virus cho người khác. Hỏi: Chưa tiêm mũi 2 của vắc xin ngừa COVID-19, chỉ mới tiêm được mũi 1, vậy có giá trị phòng COVID-19 không? Đáp: Có, sau 14 ngày của tiêm mũi 1 cho thấy đã có khả năng phòng mắc COVID-19, và giá trị phòng mắc COVID-19 cao hơn sau tiêm mũi 2.
Hỏi: Tiêm vắc xin COVID-19 xong không sốt, có phải không hiệu quả?
Đáp: Có sốt hay không sốt sau tiêm vắc xin, cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của vắc xin. Ở một số người, mặc dù hoạt động bình thường, nhưng phản ứng không ở mức độ có thể gây ra các tác dụng phụ đáng chú ý. Nhưng dù bằng cách nào, khả năng miễn dịch chống lại virus cũng được thiết lập. Vì vậy, việc sau tiêm vắc xin, một số người có thể có một hoặc vài trong số các dấu hiệu thường gặp như sốt sau tiêm vắc xin, ớn lạnh, khó chịu, mệt mỏi, đau/sưng/đỏ tại chỗ tiêm… là hiện tượng bình thường, không nên quá lo lắng. Ngược lại với những người, nếu không có phản ứng gì, thì cũng không vì thế, mà băn khoăn, nghi ngờ về tác dụng của vắc xin. Hỏi: Dù đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19, nhưng bạn có phải tiêm nhắc lại trong tương lai không? Đáp: Có là khả năng rất cao, lý do đầu tiên là hiệu quả miễn dịch do vắc xin tạo ra sẽ giảm theo thời gian, thường chỉ bảo vệ an toàn cho bạn trong 12 tháng trở lại. Ngoài ra, có nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện do quá trình tiến hóa và đột biến không còn tương thích với các loại vắc xin cũ. Ví dụ: vắc xin phòng cúm phải thay đổi liên tục mới theo kịp ra đời các chủng mới của virus gây cúm mùa. Theo thực tiễn diễn biến dịch COVID-19 hiện nay, khả năng rất cao phải tiến hành tiêm nhắc lại định kỳ, đi kèm phát triển nhanh và chủ động có các loại vắc xin mới, có vậy mới theo kịp với sự xuất hiện các biến thể mới và tái tạo miễn dịch bền vững lâu dài cho bạn.
Những lợi ích to lớn của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là không thể bàn cãi. Tiêm vắc xin có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tỉ lệ tử vong và giảm tỉ lệ lây lan dịch bệnh, là biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch COVID-19. ThS. Nguyễn Hữu Quý