6 2 banner2 1

HỎI - ĐÁP LIÊN QUAN ĐẾN TIN NHẮN MỜI TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19

Chủ nhật - 12/09/2021 04:21
Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được người dân điện thoại đến các đường dây nóng hoặc trên trang Facebook của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Sau đây chúng tôi xin giải đáp một số câu hỏi liên quan đến tin nhắn mời đi tiêm chủng.
Hỏi: Tin nhắn tiêm chủng được tạo và dùng như thế nào?
Trả lời:

- Tin nhắn mời tiêm chủng được tạo tự động theo Kế hoạch buổi tiêm của cơ sở phụ trách tiêm chủng trên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia Hồ sơ sức khỏe/TiemchungCovid19.moh.gov.
- Tại TPĐN, ngành y tế quy định trong nội dung tin nhắn có đưa số điện thoại của đơn vị phụ trách tiêm chủng và đường dây nóng CDC (ngoài số hotline của BYT 1900 9095) để đối tượng liên hệ khi cần thiết.
- Người đi tiêm chủng cần đọc kỹ tin nhắn để biết thời gian, địa điểm tiêm chủng của mình. Lưu ý làm đúng hướng dẫn trong nội dung tin nhắn (đi đúng khung giờ mời, thực hiện 5K, khai báo y tế và tải App Sổ sức khỏe điện tử trước khi đi, chuẩn bị sẵn giấy đồng ý tiêm chủng và phiếu khám sàng lọc đã được đơn vị, địa phương cấp phát) để đảm bảo giãn cách, không ùn ứ, chờ đợi lâu tại điểm tiêm chủng, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 tại điểm tiêm.
- Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, tin nhắn của hệ thống TIEM CHUNG được sử dụng như giấy phép đi tiêm chủng theo cách hiểu “1 cung đường, 2 điểm đến” là từ nhà đến điểm tiêm chủng và ngược lại. Tuyệt đối không sử dụng tin nhắn mời tiêm chủng cho các mục đích khác.
- Trong một số trường hợp đặc biệt, tùy địa phương có thể vừa gửi tin nhắn mời tiêm chủng, vừa gửi giấy mời cho người được tiêm chủng. Trong trường hợp này, nếu không có sự đồng nhất giữa khung giờ mời trong tin nhắn và giấy mời, bạn nên liên hệ lại nơi phát hành tin nhắn hoặc giấy mời để xử lý thông tin trước khi đến điểm tiêm chủng.
Hỏi: Tôi nhận được tin nhắn mời tiêm chủng, nhưng tôi lại đang ở ngoại tỉnh không thể về Đà Nẵng được, vậy tôi phải làm gì?
Trả lời:

Đối với những trường hợp nhận được tin nhắn mời tiêm chủng, nhưng đang ở ngoại tỉnh không thể về Đà Nẵng hoặc đang ở khu cách ly, phong tỏa hoặc đang có triệu chứng nghi bệnh do Covid-19...cần thực hiện như sau:
- Tạm hoãn tiêm, không đến các địa điểm tiêm chủng;
- Thông báo lại đơn vị phụ trách tiêm chủng (qua hotline trên tin nhắn) để đưa ra khỏi danh sách tiêm hiện tại;
- Thông báo cho đầu mối quản lý của đơn vị công tác, làm việc hoặc nơi ở (gọi chung là nơi lập danh sách cử đi tiêm chủng) để lập danh sách dự phòng đề xuất tiêm chủng trong thời gian đến.
Hỏi: Tôi nhận được tin nhắn mời tiêm chủng trên điện thoại nhưng không phải tên tôi được mời (tên của người khác), vì sao như vậy?
Trả lời:

Lý do có thể như sau:
- Hoặc 1 người thân nào đó sử dụng số điện thoại của bạn để đăng ký tiêm chủng. Bạn nên kiểm tra lại họ tên người được mời tiêm trên tin nhắn có phải là người thân của mình không? Nếu đúng, có nghĩa người thân của bạn được mời tiêm chứ không phải bạn. Hãy giúp thông báo cho người đó đi tiêm chủng, đồng thời khuyên họ nên khai lại đúng số điện thoại cá nhân tại điểm tiêm chủng để điều chỉnh và nhận được các phản hồi kết quả sau này trên App Sổ SKĐT. Nếu không đúng, hãy thông báo lại cho đơn vị phụ trách tiêm chủng (theo hotline trên tin nhắn) để xử lý.
- Hoặc đầu mối lập danh sách tiêm chủng của đơn vị, địa phương nhầm lẫn số điện thoại trong quá trình thao tác trên máy tính (thường do copy và dán). Bạn có thể liên hệ đầu mối đơn vị, địa phương để được xử lý cụ thể.
- Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể liên hệ hotline phụ trách tiêm chủng - chính là đơn vị mời tiêm chủng (có trong tin nhắn) để kiểm tra lại trường hợp bạn có trong danh sách được tiêm hay không để xử lý tiếp theo.
Hỏi: Tôi được cơ quan/ đơn vị/địa phương... lập danh sách được tiêm chủng hoặc thông báo mời tiêm chủng nhưng không có tin nhắn mời đi tiêm là như thế nào?
Trả lời:

Trường hợp này, trước tiên bạn phải liên hệ với đầu mối phụ trách của cơ quan, đơn vị, tổ dân phố... của bạn để xác định rõ là bạn được lập danh sách để được tiêm trong đợt tiêm này hay là lập danh sách sẵn để chủ động cho các đợt tiêm khác tiếp theo. Nếu xác định được tiêm trong đợt này thì việc không nhận được tin nhắn có thể có các nguyên nhân sau:
- Hoặc số điện thoại của bạn đã đăng ký không đúng với số bạn đang sử dụng. Tin nhắn đã gửi đến số điện thoại không đúng đó. Trường hợp này bạn cần cung cấp thông tin số điện thoại đúng để đầu mối cơ quan, đơn vị, tổ dân phố... phối hợp đơn vị phụ trách tiêm chủng xử lý ngay.
- Hoặc điện thoại của bạn cài đặt chế độ hạn chế, nghĩa là chặn các tin nhắn từ số lạ, tin nhắn “rác”... do vậy tin nhắn sẽ không hiển thị với bạn. Trường hợp này bạn có thể cài đặt lại chức năng điện thoại hoặc liên hệ đơn vị phụ trách tiêm chủng cung cấp số điện thoại khác có thể nhận tin nhắn tiêm chủng để giải quyết.
- Ngoài 2 trường hợp trên, nếu cần thiết bạn báo cáo đầu mối lập danh sách của đơn vị, cơ quan, địa phương... để phối hợp với đơn vị phụ trách tiêm chủng xử lý việc tiêm chủng của bạn.
Bs. Trần Nguyễn Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây