6 2 banner2 1

“Xét nghiệm là then chốt, vắc xin là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát”

Thứ năm - 23/09/2021 22:52
Tiểu ban Truyền thông Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa ban hành kế hoạch truyền thông chống dịch Covid-19 từ ngày 23/9 đến ngày 30/9/2021 với thông điệp “Xét nghiệm là then chốt, vắc-xin là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát”.
Thông điệp cần truyền thông hiệu quả
Theo Kế hoạch, các thông điệp cần truyền thông là tuyên truyền các chính sách phòng, chống dịch liên tục được điều chỉnh đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta; đặc biệt với việc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch; đánh giá đúng nguy cơ dịch tễ để khoanh vùng phong tỏa, cách ly, giãn cách đến mức nhỏ nhất.
xet nghiem cong dong

Chiến lược chống dịch lâu dài có 3 yếu tố: vắc xin, xét nghiệm và điều trị; các nỗ lực và giải pháp kiểm soát tốt dịch song song với phương án, kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo an dân, an lòng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song với truyền thông ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả của Đà Nẵng, Hà Nội, của quận 7 và huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh có mô hình hay, cách làm tốt trong công tác phòng, chống dịch.
Biến thể Delta vừa lây lan nhanh, lại vừa kéo dài; chu kỳ ủ bệnh giờ kéo dài hơn, 18 ngày, không còn là 14 ngày, nồng độ (tải lượng) virus hơn gấp 1.000 lần so với chủng ban đầu; khi mới nhiễm ít có biểu hiện, nhưng nếu chuyển từ nhẹ sang nặng lại xấu đi rất nhanh. Do vậy, cần phân tích có cơ sở rằng xét nghiệm diện rộng là then chốt để biết dịch. Xét nghiệm thì phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, để cách ly nhanh F0, nhanh chóng phân loại F0 để chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả. Điều trị phải kịp thời, từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, giảm mạnh các ca chuyển biến nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Vắc xin là “căn cơ”, tỷ lệ tiêm vắc xin là yếu tố quyết định để “thích ứng an toàn có kiểm soát” trong trạng thái “bình thường mới”.
Tiếp tục thực hiện tốt thông điệp “5K + vắc xin + xét nghiệm + ý thức người dân”. Nhiều địa phương hiện đang từng bước nới lỏng giãn cách, xác định “sống chung với Covid”, do đó, tăng cường khuyến cáo, nâng cao ý thức của người dân, khai báo y tế trung thực, không nên lơ là, chủ quan, xem nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch.
Truyền thông chiều sâu
Trong tình hình mới, các cơ quan báo chí, truyền thông cần giảm bớt lượng tin tức phản ánh không có chiều sâu về diễn biến dịch bệnh. Không đưa số liệu mà thiếu phân tích, thiếu kiểm chứng. Không loan tin, giật tít lệch lạc về những vấn đề còn đang được bàn bạc, chưa có kết luận cuối cùng, tránh tạo tâm lý kỳ vọng thái quá hoặc bức xức thái quá…
Thông tin có phân tích nhiều hơn, lý giải kỹ hơn về các ý kiến chỉ đạo, kết luận, thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia liên quan đến những điều chỉnh, thay đổi giải pháp trong công tác phòng, chống dịch, để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Phản ánh, phân tích, lý giải làm rõ vấn đề áp dụng chính sách phòng, chống dịch khác nhau ở một số địa phương, sự không thống nhất trong sử dụng biện pháp y tế và phi y tế giữa các địa phương… để từ đó có điều chỉnh cho nhất quán, đồng bộ, logic.
Truyền thông quản lý tốt “tâm lý kỳ vọng” của người dân và toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trong khi chưa đủ vắc xin để phủ nhanh và rộng; ủng hộ tâm thế “bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”.
Thông tin việc triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 có tích hợp tất cả các thông tin thiết yếu về danh tính, tình trạng dịch tễ, chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm, các tiêu chí an toàn khác... để người dân hiểu, đồng thuận và tự nguyện thực hiện.
Tuyên truyền, vận động và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, tích cực thực hiện các yêu cầu của chính quyền để sớm đạt các tiêu chí trong phòng, chống dịch, như: tiêm vắc-xin, xét nghiệm đầy đủ theo yêu cầu, khai báo y tế thường xuyên và trung thực…
Chủ động, kịp thời phản hồi, giải thích, điều chỉnh các thông tin trên mạng xã hội gây tâm lý bi quan, tiêu cực, tạo tâm lý kỳ vọng không có cơ sở; phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19…
Thanh Bình (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây