Những điều vị thành niên cần biết!

Thứ năm - 26/11/2020 01:50
Vị thành niên là thời kỳ phát triển đặc biệt trong cuộc đời một con người, là thời kỳ xảy ra hàng loạt biến đổi nhanh chóng cả về thể chất lẫn tâm sinh lý và các mối quan hệ xã hội của trẻ, cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những thay đổi ấy theo hướng tích cực và có lợi nhất.
Những điều vị thành niên cần biết!
      Vị thành niên là thời kỳ phát triển đặc biệt trong cuộc đời một con người, là thời kỳ xảy ra hàng loạt biến đổi nhanh chóng cả về thể chất lẫn tâm sinh lý và các mối quan hệ xã hội của trẻ, cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những thay đổi ấy theo hướng tích cực và có lợi nhất.
      Tuổi VTN thường được ấn định vào khoảng 10 đến 18 tuổi và có 3 giai đoạn: VTN sớm (10-13), VTN giữa (14-16) và VTN muộn (17-18). Thay đổi cơ thể và tâm sinh lý cũng như các mối quan hệ xã hội phụ thuộc vào từng giai đoạn cũng như giới tính của VTN. Bản chất của thay đổi này là nội tiết tố sinh dục tăng dần, cơ quan sinh dục phát triển và cơ thể chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động sinh sản. Hiện tượng được xem là mốc đánh dấu tuổi dậy thì ở các em nữ là hiện tượng kinh nguyệt và nam giới là hiện tượng xuất tinh.
Sự phát triển vượt trội về cơ thể được gọi là dậy thì với chiều cao tăng nhanh, thay đổi rõ rệt ở các cơ quan sinh dục phụ như vú, hệ thống da, lông, bộ phận sinh dục ngoài, biển đổi giọng nói, biến đổi thể hình đặc trưng của nam và nữ...
Tâm lý các em biến đổi khác nhau phụ thuộc vào các giai đoạn VTN sớm, giữa và muộn, thể hiện ở việc quan tâm tìm hiểu những thay đổi của cơ thể, quan tâm đến giới tính, nhận định sự độc lập của cá nhân với gia đình và xã hội, phát triển tư duy trừu tượng, kỹ năng phân tích...
      Thông thường VTN mong muốn phát triển cơ thể tốt, khỏe mạnh, tránh được các hành vi xấu, có hại, được quan tâm chia sẻ và được khẳng định bản thân, phát triển nhân cách tốt và được tôn trọng.
      Tuy nhiên, cũng từ những những biến đổi tâm sinh lý rất đặc trưng của VTN ở thời kỳ này như nông nổi, chưa đủ kỹ năng phân tích vấn đề, muốn thoát ly sự kiểm soát của gia đình, chịu ảnh hưởng nhiều của bạn bè cùng trang lứa, muốn khám phá, thử nghiệm cái mới, ngộ nhận giữa tình bạn với tình yêu, muốn khẳng định bản thân...lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sự phát triển sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Các em có thể gặp tại nạn trong sinh hoạt, thể thao, giao thông; có thể mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục, có thể có thai ngoài ý muốn, bị bạo hành cơ thể, tinh thần và có trường hợp tử vong đáng tiếc.
      Để có cơ thể tráng kiện, khỏe mạnh, cân đối, có trí óc sáng suốt VTN cần quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình và cần tập trung vào những nội dung sau:
      - Chăm sóc dinh dưỡng: Thường sử dụng là chỉ số khối cơ thể (BMI: Body Mass Index) để đánh giá, bình thường chỉ số này từ 18,5-23kg/m2. Thấp hơn 18,5kg/m2 gọi là dinh dưỡng kém và cao hơn 23kg/m2 được xếp loại thừa cân. Chế độ ăn cần đa dạng và cân đối các nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, chất béo, chất khoáng và vitamin. Hạn chế thức ăn nhanh chứa nhiều acid béo không no và hàm lượng muối cao là tác nhân gây tăng mỡ máu, xơ vữa mạch khi dùng kéo dài. Hạn chế chất đường, đặc biệt các loại nước uống công nghiệp. Uống đủ nước từ 2 lít/ngày.
      - Vận động hợp lý: thể dục hoặc tập chuyên biệt, hạn chế ngồi nhiều, ít vận động để phát triển cơ thể cân đối và tránh bệnh tật sau này. Hoạt động thể chất với sự tương tác xã hội cao giúp tăng tiết những chất trung gian hóa học có lợi cho sự phát triển và bảo vệ trí não.
       - Vệ sinh cá nhân: vệ sinh răng miệng, mắt, thân thể thường xuyên vừa giúp tinh thần sảng khoái vừa loại trừ tác nhân truyền nhiễm trong quá trình tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Đặc biệt VTN nữ cần quan tâm vệ sinh kinh nguyệt để tránh viêm nhiễm đường sinh sản, có thể gây ảnh hưởng đến việc thụ thai, sinh nở sau này.
       - Nói không với các chất gây nghiện, chất kích thích: thuốc lá, rượu bia, ma túy...Cần lưu ý rằng ma túy tổng hợp hiện nay được sản xuất với các sản phẩm rất đa dạng về hình thức mà người sử dụng nhiều khi không hay biết cho đến khi nghiện. Bạn trẻ cần luôn cảnh giác với các sản phẩm lạ, không có nhãn mác rõ ràng, không ghi rõ thành phần, không có địa chỉ sản xuất và nhà cung cấp...Tất nhiên, không tiếp xúc, không thử đồng nghĩa với không nghiện! Phòng tránh bằng cách kiên quyết không đặt bản thân vào tình huống bất khả kháng: tụ tập đông người, sử dụng các chất kích thích, đối tượng xấu rủ rê lôi kéo, bạn bè thách thức nhau...
      - Có kế hoạch học tập hoàn thiện bản thân, mở rộng tầm nhìn: xây dựng khung kế hoạch cụ thể cho một ngày, một tuần...với các mục tiêu rõ ràng và ra quyết tâm thực hiện bằng được. Ngoài kiến thức thu nhận từ nhà trường, nên đặt ra cho bản thân một chỉ tiêu phấn đấu, tìm tòi kiến thức mới, đặc biệt kiến thức về đời sống xã hội.
      - Học kỹ năng sống cơ bản: bơi, tự vệ cá nhân, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng phân tích tình huống, kỹ năng giao tiếp...Các kỹ năng này sẽ hữu ích cho cuộc sống của trẻ hiện tại và quyết định thành công trong tương lai.
      Vị thành niên là quãng đời có thể xem là đẹp nhất của con người, cái tuổi còn vô tư “ăn chưa no, lo chưa tới” vì chưa chịu áp lực chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; ngược lại là tuổi được gia đình và xã hội đặc biệt quan tâm.  Hiểu biết sâu sắc về đặc điểm của thời kỳ này sẽ giúp vị thành niên định hướng chăm sóc sức khỏe sinh sản hợp lý, khoa học, phát huy được lợi thế và hạn chế nguy cơ để đạt được sự phát triển tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần./.
                                                                                                                                                          BS Trần Nguyễn Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây