6 2 banner2 1

Thuốc lá điện tử - nguy hiểm khôn lường với trẻ học đường

Thứ ba - 09/05/2023 21:27
Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá điện tử ở lứa tuổi học sinh đang ngày càng gia tăng, bởi các bạn trẻ coi đây như một trào lưu thời thượng, thể hiện sự sành điệu của bản thân. Nhưng các em đâu thể lường hết, trong thuốc lá điện tử chứa rất nhiều hóa chất độc hại gây nguy hại cho cơ thể con người, nếu sử dụng thường xuyên sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường gây ảnh hưởng xấu tới lối sống, sức khỏe và tương lai của các em.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 vào năm 2022 là 3,5%, so với năm 2019 là 2,6%. Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở nhóm tuổi 15 - 24 (chiếm 7,3%) so với các nhóm 25 - 44 tuổi (chiếm 3,2%) và nhóm 45 - 64 tuổi (chiếm 1,4%).
tác hại TL điện tử
                                                                           Tác hại của hút thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá khác

Thuốc lá điện tử và hệ lụy cho sức khỏe

Theo các chuyên gia y tế cho biết, hai dạng điển hình của thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các sản phẩm này đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khoẻ con người.

Cụ thể, chất nicotine trong các sản phẩm này là chất gây nghiện mạnh làm cho người sử dụng sẽ trở nên phụ thuộc vào các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này, đồng thời việc sử dụng chúng có thể dẫn đến hoặc duy trì việc sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá, cũng như tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma tuý và các chất gây nghiện khác.

Nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên và thậm chí có thể gây tổn thương bào thai (dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp, tăng nguy cơ đẻ non và tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng chúng.

Hiện này, nhiều loại thuốc lá điện tử sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (mùi bạc hà, cam, dâu tây, sô-cô-la, caramen…) có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm hoặc kích thích trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử. Và đây là con đường dẫn đến việc sử dụng các chất gây nghiện khác bao gồm cả hút thuốc lá truyền thống, sử dụng rượu, bia, ma túy…

Việc sử dụng thuốc lá điện tử còn có thể gây tổn thương phổi không hồi phục. Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới do sử dụng pin để làm nóng và tạo ra dạng hơi, vì vậy cũng làm tăng nguy cơ bỏng và các tai nạn khác, bao gồm các vụ nổ từ thiết bị sạc điện bị lỗi hoặc sử dụng sai.

Đáng chú ý là khi các em ở độ tuổi thanh thiếu niên, do thể chất đang phát triển nên khả năng gây tác hại nhiều hơn so với người trưởng thành. Nguy hiểm hơn, lứa tuổi này lại có tâm lý thích tò mò nên càng dễ bị sa lầy. Nếu hút trong thời gian dài, thuốc lá điện tử sẽ gây nghiện và có thể gây ra ảnh hưởng tới sức khỏe các em, hậu quả lâu dài có thể gây rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất chính là suy giảm khả năng học tập.

TLĐT
 

Cần phòng ngừa cho trẻ em và thanh thiếu niên

 Để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh thì vai trò của gia đình rất quan trọng, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con nhiều hơn và cần chú ý:
- Dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt.
- Cần phối hợp cùng nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ.
- Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, nên liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ ở lứa tuổi học sinh không bị lôi kéo vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội. Ngoài trang bị kiến thức về cách phòng tránh và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện cho học sinh, nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Đồng thời, tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút học sinh tham gia, tránh xa thuốc lá và những thú vui không lành mạnh khác...
Cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và sự chung tay của toàn xã hội hy vọng tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên nói không với khói thuốc để có sức khỏe, góp phần cho sự phát triển của đất nước.
Thanh Bình (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 44 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây