6 2 banner2 1

Tật khúc xạ học đường và cách phòng tránh

Thứ năm - 16/06/2022 04:10
Tật khúc xạ học đường là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở lứa tuổi học sinh, nhất là lứa tuổi từ 11 - 15 tuổi, trong đó phổ biến nhất là cận thị. Người bị cận thị khó khăn khi nhìn các vật ở xa, khi nhìn vật từ xa có thể gây mỏi mắt và nhức đầu. Nếu cận thị nặng, võng mạc của mắt có thể mỏng đi, gây tổn thương đến mắt.
Nguyên nhân của tật khúc xạ
Một con mắt bình thường khi nhìn một vật thì ảnh của vật sẽ rơi đúng trên võng mạc cho ta thấy hình ảnh rõ ràng, sắc nét, đúng màu sắc. Nếu vì một lý do nào đó mà ảnh của vật không rơi vào võng mạc người ta gọi đó là tật khúc xạ.
Có 3 loại tật khúc xạ tương ứng với vị trí hội tụ của vật so với võng mạc: nếu hình ảnh hội tụ trước võng mạc gọi là cận thị; nếu ở phía sau gọi là viễn thị và nếu hình ảnh của vật không phải là một điểm mà là một đoạn thẳng có thể ở trước, ở sau hoặc nửa trước, nửa sau gọi là loạn thị.
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây tật khúc xạ là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình và giống người. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như: tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem tivi, sử dụng máy vi tính không hợp lý…
Triệu chứng thường gặp của tật khúc xạ
Mờ mắt là triệu chứng phổ biến nhất của tật khúc xạ. Một số dấu hiệu và triệu chứng thông thường có thể bao gồm: nhìn đôi, tầm nhìn bị mờ, tầm nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng, nhứt đầu, mỏi mắt…
kham mat cho hoc sinh

Những cách để điều chỉnh tật khúc xạ
Khi đã bị tật khúc xạ thì bắt buộc phải điều chỉnh để mắt trở lại trạng thái thoải mái, hạn chế bớt sự tăng độ và ngăn ngừa những biến chứng của mắt. Có 3 cách được sử dụng để điều chỉnh tật khúc xạ.
- Đeo kính mắt:  đây là phương pháp tiện lợi, rẻ tiền, dễ thay đổi, nhưng nhược điểm dễ hỏng, dễ mất. Nên đeo kính thường xuyên và kiểm tra độ kính 6 tháng một lần.
- Đeo kính áp tròng:  là mang kính tiếp xúc (là một miếng nhựa đặc biệt được đặt áp sát vào giác mạc). Loại kính này phù hợp cho lứa tuổi thanh niên và người lớn. Ưu điểm là gọn, nhỏ, người ngoài nhìn vào sẽ không thể nhận biết được. Nhược điểm là phải tháo lắp, ngâm rửa hàng ngày, nếu không khéo léo có thể gây trầy xước giác mạc, nhiễm trùng. Một số người bị dị ứng với kính thì không dùng được.
- Phẫu thuật bằng Laser Excimer: Phương pháp này được thực hiện khá đơn giản, nhanh chóng và an toàn, cho hình ảnh như sinh lý bình thường của mắt, kết quả lâu dài hoặc vĩnh viễn. Nhược điểm là đắt tiền, thường trên 20 tuổi mới thực hiện được kỹ thuật này.
Hiện nay y học đang phát triển một số phương pháp mới như mổ phaco thay thủy tinh thể để điều chỉnh tật khúc xạ, mổ Phakic đặt kính nội nhãn… cũng mang lại thị lực cao cho những trường hợp bị tật khúc xạ đặc biệt.
Các biện pháp phòng ngừa tất khúc xạ học đường
Để phòng ngừa các tật khúc xạ, phụ huynh cần chú ý quan tâm:
- Bảo vệ mắt, vệ sinh mắt hàng ngày;
- Cho trẻ ngồi học đúng tư thế, khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 – 30cm.
- Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng và vuông góc với mặt ghế ngồi, hai chân thoải mái, hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định.
- Phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn theo từng cấp học, đèn để phía đối diện với tay cầm bút.
- Không nên cho trẻ đọc sách, xem tivi, chơi điện tử quá 02 giờ liên tục;
- Tuân thủ đầy đủ chế độ giải lao, vui chơi và dinh dưỡng hợp lý;
- Bên cạnh đó trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ 8 – 10 tiếng/ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể.
- Khám mắt định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được phát hiện sớm tật khúc xạ và chỉnh kính hợp lý.
- Đeo kính đúng số, đúng bệnh hoặc phẫu thuật để phòng chống nhược thị và hậu quả sau này.
                                                                                                                                     Thảo Ly
 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây