Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19, học sinh các cấp tại thành phố Đà Nẵng chuẩn bị trở lại trường học. Đây không chỉ là niềm vui của các cháu khi được trở lại trường mà còn là nổi lo, niềm trăn trở của các bậc phụ huynh và nhà trường làm sao để đảm bảo an toàn cho các học sinh, nhất là ở độ tuổi mẫu giáo và học sinh cấp 1.
Trường học là môi trường tập trung đông học sinh, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Tại đây, trẻ học hành, vui đùa và tiếp xúc với rất nhiều bạn bè trong trường lớp, nếu chẳng may một trẻ nhiễm COVID-19 thì sẽ là nguồn lây cho rất nhiều trẻ khác. Vì thế, các bậc phụ huynh cần trang bị cho trẻ những kỹ năng, kiến thức về phòng dịch để tự bảo vệ sức khỏe, nhất là đối với trẻ lứa tuổi mẫu giáo, cấp 1. Hơn nữa, đây cũng là cơ sở để hình thành cho trẻ thói quen có lợi để bảo vệ bản thân và kỹ năng sống ngay từ nhỏ để thích nghi an toàn. Chị Nguyễn Nhật Phương (Hòa Vang) tâm sự, con nhà chị năm nay mới vào lớp 1, học online phải cần người lớn giám sát, hỗ trợ mà nhà chị nêu người nên rất khó khăn để theo học cùng con. Với các cháu còn quá nhỏ, nếu không có người lớn hỗ trợ thì các cháu khó lòng tiếp thu và hiểu đầy đủ được bài giảng của cô giáo. Hơn nữa, học online ở nhà trẻ không có nhiều cơ hội trải nghiệm để phát triển một cách tự nhiên và chưa kể đến trẻ tiếp xúc thiết bị điện thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là có thể gặp các vấn đề về mắt. Tuy nhiên, cho con đi học lúc này cũng là nổi lo lắng về sự an toàn cho trẻ của nhiều cha mẹ. Việc hướng dẫn cho con những thói quen như rửa tay đúng cách hoặc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng hay việc dặn dò trẻ đeo khẩu trang thường xuyên để không bị nhiễm bệnh khi đi học lại là điều mà hàng ngày chị Phương luôn nhắc nhở con.
Thầy Ông Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hòa Nhơn cho biết: Để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học, đầu tiên nhà trường lên phương án chuẩn bị phải đặt công tác an toàn phòng dịch lên hàng đầu để bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ và giáo viên. Nhà trường sẽ phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ lớp học, khuôn viên trường. Tiến hành tổng vệ sinh trường lớp sạch sẽ trước khi đón học sinh trở lại. Trước mỗi buổi học, nhà trường lên phương án tổ chức đón học sinh ở cổng trường, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay nhanh cho các em để khử khuẩn. Ở mỗi lớp học đều bố trí dung dịch sát khuẩn, khẩu trang để ở những vị trí thuận lợi cho học sinh sử dụng. Kết thúc mỗi buổi học, duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo đúng quy định; kiểm tra, bổ sung nước sát khuẩn, xà phòng và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo. Để đảm bảo an toàn giãn cách, các nhà trường sẽ tổ chức học chia khối theo hướng dẫn của sở giáo dục. Đồng thời, nhà trường có kế hoạch tuyên truyền, lồng ghép trong các tiết học thông qua các bài giảng của giáo viên về các biện pháp cũng như các quy định phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường. Thông qua mạng zalo để kết nối với phụ huynh học sinh, nhà trường đã tuyên truyền, nhắc nhở các bậc phụ huynh phối hợp để theo dõi sức khỏe các em thường xuyên, hướng dẫn để các em duy trì thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân trong sinh hoạt hằng ngày; qua đó, hình thành nếp sống văn minh, thân thiện, biết bảo vệ bản thân và môi trường xung quanh. Điều này sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe cho học sinh, vừa duy trì việc dạy và học để các em đến trường học được an toàn trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, tuy nhiên để an toàn tuyệt đối đảm bảo sức khỏe cho học sinh đến trường thì bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía nhà trường thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh và các em học sinh trong việc nêu cao ý thức, chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt là tuân thủ các khuyến cáo 5K về phòng dịch của Bộ Y tế, điều đó giúp các em đảm bảo sức khỏe đến trường vừa đảm bảo giữ môi trường học đường an toàn mà vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng dịch bệnh COVID-19.