Mũi tiêm Vắc xin COVID-19 tăng cường- 5 điều cần biết
Thứ ba - 25/01/2022 23:18
Mũi tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường đang là chủ đề rất được quan tâm, nhưng cách "tăng cường" định kỳ cho hệ thống miễn dịch của chúng ta là điều không mới.
1. Liều vắc xin COVID-19 tăng cường là gì và hoạt động như thế nào? Tiêm vắc xin tăng cường nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch sau khi chúng suy yếu tự nhiên. Mũi tiêm tăng cường đánh lừa hệ thống miễn dịch nghĩ rằng nó đang nhìn thấy mầm bệnh một lần nữa, do đó, số lượng và chất lượng của các kháng thể được tạo ra có thể tăng lên. Hệ thống miễn dịch của chúng ta học cách làm tốt hơn công việc nhận biết mầm bệnh và tạo ra các kháng thể liên kết chặt chẽ hơn với mục tiêu của chúng. Vắc xin COVID-19 hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nặng và tử vong. Một ví dụ là tiêm ngừa bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà thường được yêu cầu mũi tiêm tăng cường, với thành phần Td hoặc Tdap, cứ sau 10 năm để duy trì khả năng miễn dịch. 2. Tại sao cần tiêm vắc xin tăng cường? Đối với một số mầm bệnh, việc có các phản ứng miễn dịch sẵn có (kháng thể có thể đo lường được) là rất quan trọng để đạt được hiệu quả. Vì vậy, khi mức độ kháng thể suy giảm tự nhiên theo thời gian, cần phải tăng cường. Đối với các mầm bệnh khác, như virus viêm gan B, việc hoàn thành loạt ba mũi tiêm chủng có khả năng bảo vệ suốt đời. Tuy nhiên, nếu nguy cơ lây nhiễm cao hơn, kiểm tra nồng độ kháng thể thấy giảm, thì mũi tiêm tăng cường rất quan trọng. 3. Khả năng miễn dịch suy giảm sau 2 liều ban đầu? Nhiều nghiên cứu cho thấy, các kháng thể suy giảm trong khoảng thời gian 6 tháng hoặc hơn sau khi tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ hai. Hiệu quả của vắc xin cũng suy giảm sáu tháng sau khi hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, một lưu ý tích cực là khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 nghiêm trọng, bao gồm cả nhập viện hoặc tử vong, dường như không giảm. Điều này có thể là do các thành phần khác của phản ứng miễn dịch (tế bào T và tế bào ghi nhớ miễn dịch) ở trong cơ thể lâu hơn kháng thể và ngăn ngừa bệnh tật nghiêm trọng. Người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch là những đối tượng ưu tiên nhiều hơn vì họ có xu hướng phản ứng miễn dịch với vắc xin yếu hơn so với những người trẻ, khỏe mạnh. 4. Liều vắc xin tăng cường hiệu quả như thế nào? Nồng độ kháng thể sau một liều tăng cường cao hơn so với kháng thể sau đợt tiêm chủng ban đầu. Mặc dù khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm COVID-19 từ hai liều cơ bản thấp hơn một chút đối với chủng Delta so với chủng ban đầu, nhưng một liều tăng cường sẽ khôi phục khả năng bảo vệ ở mức tương tự. Nghiên cứu ở Israel cho thấy, những người được tiêm một liều tăng cường có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn 10 lần so với những người chỉ tiêm hai liều ban đầu. Từ góc độ an toàn, các loại và tần suất tác dụng phụ sau liều tăng cường tương tự như liều đầu tiên và liều thứ hai. 5. Vắc xin COVID-19 tăng cường có gì khác biệt? Vắc xin COVID-19 hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nặng và tử vong, nhưng chúng không hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn việc lây truyền virus. Đặc biệt, ở những vùng có tỷ lệ nhiễm cao do tỷ lệ tiêm phòng thấp, người được tiêm chủng dễ bị phơi nhiễm với virus và bị lây nhiễm đột phá. Do các biến thể có khả năng lây lan cao, chúng ta sẽ cần phải tiêm mũi tăng cường. Bên cạnh đó các hãng dược phẩm cũng đang đẩy nhanh tốc độ cập nhật vaccine để đối phó với các biến thể mới. Phước An (Theo SK& ĐS)