Tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh – cách tốt nhất phòng lây truyền Viêm gan B từ mẹ sang con

Thứ tư - 24/08/2022 04:15
Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B, tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con cho trẻ sơ sinh. Việc tiêm vắc xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao.
Bệnh viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút viêm gan B gây ra. Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% đến 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Đây là đường lây nhiễm nguy hiểm nhất. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.
Viemgan B

Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B, tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con cho trẻ sơ sinh. Việc tiêm vắc xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày. Do đó, tiêm phòng mũi vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh cho trẻ là vô cùng cần thiết.
Tiêm vắc xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh SỚM được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu. Đồng thời, tiêm vắc xin viêm gan B mũi 1 càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với vi rút ngay khi sinh, đây là một sự cạnh tranh giữa sự nhân lên của vi rút và vắc xin tạo ra kháng thể kịp thời trung hòa vi rút đang có trong cơ thể, do đó nhiều nước đã tiêm ngay trong vòng 12 giờ
Vắc xin viêm gan B rất an toàn, đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới trong phòng chống bệnh viêm gan B. Ở nước ta, vắc xin viêm gan B được triển khai tiêm cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các bà mẹ nên tiêm vắc xin viêm gan B khi trẻ đã bú tốt và đề nghị để con mình được cán bộ y tế thăm khám trước khi tiêm. Sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và dặn bà mẹ theo dõi sau khi tiêm ít nhất một ngày (24 giờ). Sau tiêm trẻ có thể có phản ứng thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc vv... Các bà mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn, có thể chườm mát và nên chú ý đến trẻ hơn, lưu ý cho trẻ bú khi trẻ thức, không nên nằm cho trẻ bú. Nếu phản ứng kéo dài hơn một ngày hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng hơn như trẻ sốt cao hoặc có những biểu hiện khác thường như quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú... cần báo ngay cho cán bộ y tế để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, hãy tiêm phòng vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24h đầu sau sinh và tiếp tục tiêm các mũi tiếp theo đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại địa phương để chủ động phòng ngừa bệnh viêm gan B.
Thanh Bình (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây