Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ, đứng thứ 2 trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong. Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính thường gặp từ độ tuổi 30 trở đi, nhiễm virus HPV (Human Papiloma virus) là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư cổ tử cung. Virus HPV được xác định là bệnh lây qua đường tình dục.
Cho đến nay, giới khoa học đã phát hiện trên 150 type (chủng loại) HPV. Trong đó, một số type HPV thường gặp có thể gây ra nhiều bệnh lý ở vùng sinh dục như sùi mào gà, mụn cóc sinh dục...là những bệnh lành tính. Một số type HPV nguy cơ cao có thể gây ra tình trạng nhiễm virus dai dẳng mãn tính và nếu đi kèm với các yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến ung thư. HPV 16 và HPV 18 là hai type gây ung thư cổ tử cung phổ biến nhất, chịu trách nhiệm cho > 80% ung thư cổ tử cung. Các type HPV nguy cơ cao khác có thể kể ra là 31, 33, 35, 39, 45…Virus HPV cũng đã được xác định là nguyên nhân gây ra các tổn thương sinh dục lành tính và ung thư sinh dục tương tự ở nam giới.
(Hình minh họa)
Hầu hết các tình trạng nhiễm HPV sinh dục đều tự lành. Một số trường hợp virus không được đào thải hết, tình trạng nhiễm virus mạn tính dai dẳng này có thể gây ra các biến đổi trên các tế bào cổ tử cung, nếu như không được phát hiện và điều trị có thể hình thành các thương tổn tiền ung thư, và cuối cùng tiến triển đến ung thư. Thường mất nhiều năm để các thương tổn tiền ung thư tiến triển đến ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên một số trường hợp hiếm gặp, quá trình này có thể tiến triển nhanh hơn. Hầu hết các tổ thương tiền ung thư đều đã có phương pháp chữa lành, khá đơn giản và không mất nhiều chi phí. Ứng dụng các đặc điểm này, giới khoa học khuyến cáo việc khám sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, nghĩa là cắt đứt con đường tiến triển đến ung thư cổ tử cung cho phụ nữ. Vậy, hiện nay đã có các biện pháp dự phòng ung thư cổ tử cung nào cho người phụ nữ?
- Dự phòng cấp 1, hay nói cách khác là dự phòng nhiễm virus HPV (thủ pham gây ra > 90% ung thư cổ tử cung): Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Dự phòng chủ động bằng cách tiêm vaccin phòng HPV cho thiếu niên và thanh niên trong độ tuổi được khuyến cáo, càng sớm càng tốt, tốt nhất trước khi trẻ có lần giao hợp đầu tiên. Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccin cho trẻ gái trong độ tuổi 9 - 26 tuổi. Một số nước trên thế giới đã có khuyến cáo tiêm cả cho trẻ trai độ tuổi này. Tiêm vaccin là biện pháp dự phòng chủ động nhằm phòng ngừa lây nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao, từ đó phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV. Việc tiêm phòng HPV ở người càng trẻ, chưa có quan hệ tình dục thì đáp ứng miễn dịch càng cao.
- Dự phòng cấp 2, hay nói cách khác khám sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (thường gọi là loạn sản cổ tử cung, hoặc dùng các thuật ngữ chuyên môn là LSIL, HSIL, CIN 1, CIN 2…). Có nhiều phương pháp sàng lọc đã được Bộ Y tế hướng dẫn: nghiệm pháp V.I.A/V.I.L.I; xét nghiệm tế bào âm đạo - cổ tử cung (PAP’smear, Thinprep…); xét nghiệm định tính/định type virus HPV. Có thể thực hiện một trong các phương pháp sàng lọc này hoặc phối hợp nhiều phương pháp tùy từng trường hợp. Điều đáng nói là các phương pháp sàng lọc này khá đơn giản, chi phí không quá cao, thực hiện lấy mẫu đồng thời với quá trình khám phụ khoa thông thường. Trước đây, Bộ Y tế khuyến cáo chú trọng sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 30 tuổi nhưng hiện nay, độ tuổi khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung là từ 21 tuổi. Tùy vào phương pháp và kết quả sàng lọc, bác sĩ sản phụ khoa sẽ tư vấn việc lặp lại sàng lọc sau một thời gian nhất định tùy vào từng cá thể. Dừng sàng lọc chỉ khi thỏa mãn 2 điều kiện: đã có ít nhất 03 lần sàng lọc định kỳ trước đó âm tính (không phát hiện nguy cơ ung thư cổ tử cung) và người phụ nữ đã qua tuổi 60. Một số câu hỏi thường xuyên của khách hàng 1) Virus HPV lây lan bằng cách nào?
Virus HPV lây lan một cách dễ dàng thông qua tiếp xúc trực tiếp qua da, trong hầu hết các dạng hoạt động tình dục với một người đã bị nhiễm virus này.
Người bệnh có thể lây truyền virus HPV cho người khác mà không hề biết rằng bản thân đang bị nhiễm virus đó, vì họ không hề có triệu chứng. 2) Những ai có nguy cơ bị nhiễm virus HPV?
Bất cứ người nào đã có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Có từ 50 – 80% những người có hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm HPV sinh dục tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Hầu hết các tình trạng nhiễm virus đều tự lành. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, tình trạng nhiễm mạn tính dai dẳng các type HPV nguy cơ cao, đồng thời có các yếu tố nguy cơ khác đi kèm sẽ thúc đẩy các biến đổi tế bào cổ tử cung tiến triển đến ung thư cổ tử cung. 3) Vậy, các yếu tố nguy cơ đi kèm nhiễm HPV nguy cơ cao làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung là gì?
Đó là:
- Quan hệ tình dục sớm
- Quan hệ tình dục với nhiều người
- Sinh nhiều con
- Vệ sinh sinh dục không đúng cách
- Viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục
- Điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp
- Hút thuốc lá, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV… 4) Lịch tiêm vắc-xin phòng HPV như thế nào?
Vaccin HPV bao gồm 3 mũi tiêm, thường được tiêm trong khoảng thời gian 6 tháng. Điều quan trọng là đối tượng cần được tiêm đầy đủ cả 3 mũi vắc-xin mới có thể được bảo vệ chống lại tình trạng nhiễm HPV. Các vaccin ngừa HPV hiện tại không giúp bảo vệ chống lại tất cả các type HPV gây ra ung thư, chỉ phòng nhiễm các type có nguy cơ cao nhất (type 16, 18) và một số type gây mụn cóc sinh dục (type 6,11). Chúng cũng không có bất cứ tác dụng nào lên tình trạng nhiễm HPV xuất hiện trước khi tiêm vaccin. Do đó, ngoài việc tạo miễn dịch chủ động bằng vaccin, việc làm phiến đồ âm đạo vẫn được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ có hoạt động tình dục để tăng cường hiệu quả dự phòng. 5) Tác dụng phụ của vaccin phòng HPV như thế nào?
Nhiều người có thể chủng ngừa mà không gặp bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phản ứng phụ nhẹ đến trung bình sau khi chủng ngừa như:
- Phản ứng tại chỗ tiêm, quầng đỏ, đau hoặc sưng
- Sốt nhẹ
- Nổi mề đay
- Đau đầu, mệt mỏi
- Đau cơ, đau khớp
- Buồn nôn và nôn
- Rối loạn dạ dày ruột: đau bụng, tiêu chảy
- Quá mẫn cảm
Các phản ứng này có thể xảy ra với người tiêm bất cứ loại vaccin nào. Sau tiêm bạn nên ở lại cơ sở y tế theo dõi 30 phút. Nếu có triệu chứng bất thường sau đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, đã có hơn 135 triệu liều vaccin phòng HPV được sử dụng trên toàn thế giới và dữ liệu nghiên cứu cũng như giám sát cho đến nay đã chứng minh đây là loại vaccin hiệu quả và an toàn.
Tóm lại, Chủng ngừa vaccin phòng HPV song song với sàng lọc sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung được xem là biện pháp hữu hiệu để ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Ngoài ra, thực hành tình dục an toàn và loại trừ các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung đã nói ở trên cũng góp phần quan trọng trong chiến lược phòng ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ./.
Thùy Hương
Nguồn tham khảo:
- CDC Hoa Kỳ
- Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản 2016 - Bộ Y tế
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...