Cũng như người phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên, cùng với nền tảng nội tiết suy giảm và các tác động bất lợi đến sức khỏe trong quá trình sống, sinh hoạt, lao động (môi trường sống, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp, duy trì các thói quen không có lợi cho sức khỏe ...) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tình dục, người đàn ông ở tuổi trung niên sẽ đối mặt với một trong những vấn đề sức khỏe rất đặc trưng liên quan đến tuổi tác - Chứng rối loạn cương (Thuật ngữ mới thay cho Chứng bất lực được dùng trước đây)!
Rối loạn cương dương là một bệnh lý xảy ra ở nam giới xuất hiện từ xa xưa và đang ngày càng trở nên phổ biến bởi nhiều lẽ: nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhu cầu chất lượng cuộc sống tăng lên đồng thời gia tăng các bệnh mạn tính, áp lực cuộc sống, sử dụng chất gây nghiện... Bệnh lý này không phải là một bệnh quá nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của nam giới, tuy nhiên nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như bản lĩnh và sự tự tin của người đàn ông.
Rối loạn cương được xem là tình trạng người đàn ông không thể đạt tới hay duy trì được sự cương dương vật đủ cứng để giao hợp thỏa mãn mà nôm na trong các buổi trà dư tửu hậu, các ông hay gọi đó là đã đến lúc “trên bảo dưới không nghe” và cũng chẳng mấy ai muốn dễ dàng thổ lộ cái sự “yếu kém” ấy ra với mọi người. Thực ra, rối loạn cương có thể gặp ở độ tuổi trẻ, giai đoạn bước vào tuổi trưởng thành (nguyên phát) và thường là do yếu tố tâm lý trong khi rối loạn cương ở người đàn ông có tuổi (thứ phát) thì 50 - 80% trường hợp liên quan đến các tổn thương thực thể gây ra bởi các bệnh mạch máu, thần kinh, nội tiết hay các bệnh thực thể khác. Tần suất bệnh càng gia tăng theo tuổi.
Tại các nước châu Á, các nghiên cứu cho thấy: tần suất rối loạn cương chung là 26% tại Nhật, 32,8% tại Trung Quốc từ 40-49 tuổi, 36,4% từ 50-59 tuổi. Theo khảo sát tại Việt Nam, 25% nam giới bị bệnh rối loạn chức năng cương dương. Khoảng 50% đàn ông trên 40 tuổi có triệu chứng bất lực hoặc giảm khả năng ham muốn ở mức độ đáng cảnh báo..
Rối loạn cương thực ra chỉ là một căn bệnh có thể gặp ở nam giới tuổi trưởng thành hoặc thứ phát ở nam giới trong quá trình sống tương tự như các bệnh mắc phải khác. Một số gợi ý về người đàn ông mắc chứng rối loạn cương:
- Thời gian để đạt được sự cương dương vật dài (dù có kích thích tình dục).
- Dương vật không cương hoặc cương không đủ cứng để thực hiện được hành vi giao hợp.
- Không giữ được độ cương cứng trong suốt thời gian giao hợp hoặc cho đến khi giao hợp xong.
- Không có cảm giác tự tin, không cảm thấy thoải mái về tình trạng cương cứng dương vật khi giao hợp...
(Hình minh họa)
Nguyên nhân của rối loạn cương
Cho đến nay, nguyên nhân của rối loạn cương đã được khoa học làm sáng tỏ và rất khác so với quan niệm của thế kỷ trước. Lúc ấy, rối loạn cương được xem là bệnh thuần tâm lý (90% nguyên nhân là do tâm lý) và tuổi tác nhưng ngày nay, tiến bộ khoa học đã chỉ rõ các nguyên nhân gây chứng bất lực của người đàn ông như sau:
- Tuổi cao
- Rối loạn tâm lý: stress, lo lắng, trầm cảm...do áp lực công việc, cuộc sống xã hội...Nguyên nhân tâm lý có thể phối hợp sau nguyên nhân thực thể gây rối loạn cương.
- Rối loạn thần kinh: bệnh não thực thể hoặc do chấn thương, đặc biệt chấn thương vùng cột sống thắt lưng, tủy sống, tổn thương thần kinh bẹn,...
- Rối loạn nội tiết: Suy tuyến sinh dục, cường prolactin máu, cường hay suy tuyến giáp, hội chứng Cusshing, bệnh Addison...
- Rối loạn mạch máu: xơ vữa mạch máu, bệnh tim thiếu máu, bệnh mạch máu ngoại vi, suy tĩnh mạch, bệnh lý thể hang của dương vật, chấn thương gây xơ hóa mạch máu vùng bẹn... Nguyên nhân chính gây rối loạn cương ở đàn ông tuổi từ 50 trở lên là xơ vữa động mạch.
- Do thuốc: Thuốc hạ huyết áp, chống trầm cảm, estrogen và các thuốc kháng androgen (làm giảm ham muốn), digoxin (điều trị suy tim), thuốc an thần... Ước tính khoảng 25% rối loạn cương do thuốc gây ra.
- Thói quen có hại: Ma túy, nghiện rượu, thuốc lá...
- Bệnh khác: đái đường, suy thận, tăng lipid máu, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Hiện nay, trên thị trường thuốc bán lẻ, trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều quảng cáo điều trị rối loạn cương với rất nhiều hứa hẹn kiểu như “đánh thức bản lĩnh đàn ông”, “ông uống bà khen”... nhưng hiệu quả có được và những nguy cơ tiềm tàng đằng sau những thuốc quảng cáo đó khó để đánh giá. Một khi hiểu cặn kẽ nguyên nhân của căn bệnh này, trước biểu hiện có rối loạn cương, nam giới cần tìm đến cơ sở y tế được cấp phép hoạt động để thăm khám toàn diện nhằm xác định có nguyên nhân thực thể nào hay không trước khi điều trị. Đây cũng là một bệnh chuyên khoa sâu nên việc điều trị cần được đề nghị, theo dõi và tư vấn bởi các thầy thuốc có chuyên môn, tuyệt đối không tự điều trị, nhất là việc sử dụng các đơn thuốc của bác sĩ đã kê cho một người khác dù có triệu chứng tương tự. Đặc biệt, việc dùng một số thuốc liên quan nội tiết lại càng như con dao 2 lưỡi, lợi hoặc hại chỉ trong một liều nhỏ. Có vậy mới hiểu vì sao đã từng có câu chuyện lan truyền cười chảy nước mắt về một quý ông dùng double liều bác sĩ kê đơn những mong tăng gấp đôi “sức mạnh” nhưng rốt cuộc phải vào cấp cứu vì không kiểm soát được “thằng nhỏ”. Vậy rối loạn cương có dự phòng được không? Và dự phòng rối loạn cương bằng cách nào?
Ta đều biết sự suy giảm nội tiết đi cùng tuổi tác nhưng vẫn có nhiều trường hợp rối loạn cương xuất hiện rất sớm đồng thời có nhiều nguyên nhân của rối loạn cương có thể dự phòng. Cụ thể:
- Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, giữ tâm lý và tinh thần thoải mái, hình thành quan hệ tình dục an toàn và lành mạnh, đặc biệt không lạm dụng thủ dâm quá mức (nhất là ở tuổi vị thành niên - thanh niên).
- Cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, chế độ ăn uống khoa học hợp lý: ăn nhiều rau xanh; hạn chế chất béo, nhất là chất béo transfat; hạn chế một số thực phẩm có tính kháng androgen (các chế phẩm từ đậu nành)…
- Hạn chế và tốt nhất không sử dụng các chất kích thích: cà phê, bia rượu, thuốc lá, ma túy…
- Rèn luyện thể lực bằng duy trì thể dục thể thao thường xuyên, nhất là các bài tập tăng cường khả năng cương cứng dương vật.
Một số cơ sở khám nam khoa uy tín tại thành phố Đà Nẵng: Khoa ngoại tiết niệu của các bệnh viện lớn: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng hoặc Phòng khám đa khoa - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng./.