Các biện pháp tránh thai hiệu quả trong kế hoạch hóa gia đình
Thứ sáu - 15/10/2021 05:52
Để thực hiện kế hoạch hóa gia đình, một trong những biện pháp hỗ trợ quan trọng đó là các biện pháp tránh thai. Các biện pháp tránh thai vừa giảm thiểu các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai, đồng thời giúp giữ gìn sức khỏe và hạnh phúc của mỗi gia đình.
Dưới đây là một số biện pháp tránh thai phổ biến, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có thể lựa chọn một hình thức tránh thai phù hợp.
Dụng cụ tử cung (còn gọi là vòng tránh thai): Có hiệu quả tránh thai rất cao, khả năng mang thai trở lại sớm khi tháo ra; tác dụng kéo dài từ 7-10 năm. Tuy nhiên không phù hợp với người chưa sinh lần nào, không giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bao cao su: Không có tác dụng phụ, là biện pháp giúp phòng tránh thai an toàn, đồng thời phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS, mỗi bao cao su chỉ dùng được một lần khi giao hợp.
Triệt sản (hay còn gọi là đình sản): Hiệu quả tránh thai rất cao, phù hợp với người thực sự không muốn có thêm con; không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính tình và sinh hoạt vợ chồng; triệt sản nữ còn được chỉ định áp dụng cho những phụ nữ có nguy cơ cao về sức khoẻ khi mang thai.
Thuốc tránh thai hàng ngày: đây là biện pháp có hiệu quả tránh thai cao, khả năng mang thai trở lại sớm sau khi ngừng uống thuốc, giảm đau bụng kinh và giảm mất máu khi hành kinh.
Viên uống tránh thai khẩn cấp: Là một biện pháp tránh thai hiệu quả nếu được sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi giao hợp không được bảo vệ lần đầu. Tuy nhiên đây là biện pháp không được khuyên dùng vì hàm lượng nội tiết tố cao và nhiều tác dụng phụ.
Nang cấy tránh thai: Cấy vào dưới da mặt trong của cánh tay. Đây là biện pháp có hiệu quả tránh thai cao, không làm giảm bài tiết sữa và tác dụng kéo dài trong 3 năm. Tuy nhiên khả năng mang thai trở lại chậm (6-10 tháng sau khi lấy nang cấy ra) và không giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Với rất nhiều biện pháp tránh thai đang được triển khai hiện nay, mỗi cặp vợ chồng có thể nghiên cứu, xem xét biện pháp nào phù hợp để áp dụng. Tất nhiên, ở mỗi biện pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Do đó, khi thực hiện các biện pháp tránh thai, các cặp vợ chồng nên tìm hiểu kỹ và đến cơ sở y tế để được tư vấn.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...