Phân biệt sốt vi rút và sốt xuất huyết

Thứ hai - 11/07/2022 05:15
Sốt xuất huyết và sốt vi rút (sốt siêu vi) là hai bệnh khác nhau do các loại vi rút khác nhau gây ra. Ở giai đoạn đầu, những triệu chứng của hai bệnh khá giống nhau khiến nhiều người bị nhầm lẫn.
1. Bệnh sốt do vi rút
Nguyên nhân gây bệnh: Sốt vi rút là do cơ thể bị nhiễm các loại vi rút khác nhau. Người bệnh sẽ có thể hết triệu chứng và khỏi sau khoảng 5-7 ngày nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, hoàn toàn có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng: Tùy từng loại vi rút gây bệnh mà bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng bệnh nặng nhẹ khác nhau:
- Sốt cao từ 39 - 400C, cơ thể mệt mỏi, chân tay rã rời, uể oải và đặc biệt có thể đáp ứng kém với một số thuốc hạ sốt; đau họng, ho, chảy nhiều dịch mũi…; có thể kèm theo tình trạng rối loạn tiêu hóa như: đầy hơi, đi đại tiện phân lỏng…; nôn và buồn nôn.
- Ở người lớn, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức, khó chịu, nhức đầu, nhức mắt,… Với trẻ nhỏ, sẽ quấy khóc nhiều hơn bình thường, thậm chí không xử trí tốt trẻ có thể bị co giật vì sốt cao.
- Nổi hạch: Xuất hiện các hạch vùng đầu mặt cổ.
- Sau khi sốt khoảng 1-2 ngày, bệnh nhân có biểu hiện nổi những mẩn đỏ trên da.
Có thể gặp biến chứng nguy hiểm
Đa số trường hợp bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh có thể hết sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, thực tế, nếu không được can thiệp kịp thời, sốt do nhiễm vi rút có thể gây loạt biến chứng như: viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, viêm cơ tim, tổn thương não…
Cách chăm sóc để hạn chế biến chứng
Hiện nay chưa có thuốc điều trị cho bệnh nhân bị sốt vi rút mà chủ yếu chữa trị triệu chứng và nâng cao thể trạng của bệnh nhân. Nếu sốt cao trên 38,50C nên uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ; cần cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc hoặc nước ép hoa quả, nước điện giải Oresol vì sốt cao rất dễ bị mất nước; không nên tiếp xúc với nhiều người để tránh lây lan bệnh.
Phương pháp phòng bệnh
- Phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước những tấn công của các vi rút gây bệnh.
- Trong vùng dịch hoặc gia đình có người bị sốt vi rút cần chủ động phòng ngừa lây bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
2. Bệnh Sốt xuất huyết
Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra. Hai loại muỗi gây bệnh thường gặp nhất là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Muỗi vằn sau khi đốt người bệnh bị nhiễm virus, lại đốt người khỏe làm lây nhiễm bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, Sốt xuất huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.
Triệu chứng: Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết qua từng giai đoạn có thể khác nhau:
- Giai đoạn khởi phát
Cũng giống như triệu chứng của bệnh sốt vi rút, trong 3 ngày đầu tiên, bệnh nhân đột ngột sốt cao, có khi lên tới 39 - 400C. Ngoài ra có thể kèm theo tình trạng đau đầu, mệt mỏi, đau hốc mắt và cũng xuất hiện triệu chứng đau họng, ho, chảy nhiều dịch mũi,…
- Giai đoạn toàn phát
+ Trong thời điểm này, người bệnh có thể hạ sốt, tuy nhiên có thể bị giảm tiểu cầu trong máu và triệu chứng xuất huyết từ nhẹ đến nặng bắt đầu xuất hiện. Đây là giai đoạn quan trọng vì rất dễ xảy ra biến chứng.
+ Xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới da, ngứa da.
+ Có thể xuất huyết đường tiêu hóa: đi ngoài phân đen hoặc có lẫn máu trong phân, hoặc nôn ra máu.
+ Một số bệnh nhân bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, phụ nữ bị xuất huyết âm đạo mà chưa đến kỳ kinh.
+ Ở những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị xuất huyết não hoặc chảy máu trong ổ bụng rất nguy hiểm.
+ Số ít bệnh nhân bị hạ huyết áp hoặc bị sốc.
- Giai đoạn phục hồi
Trong giai đoạn này, bệnh nhân hết sốt, tiểu cầu tăng dần và cơ thể dần khỏe trở lại
Có thể gặp biến chứng nguy hiểm
Ở bệnh nhân sốt xuất huyết, nếu không được phát hiện và điều trị đúng người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm: Sốc do mất máu; tràn dịch màng phổi; tụt huyết áp và đau đầu dữ dội; biến chứng ở mắt: trong một số trường hợp, người bệnh có nguy cơ bị mù do tình trạng xuất huyết xảy ra ở võng mạc hoặc lớp dịch kính; suy tim hoặc suy thận; hôn mê: lượng huyết tương thoát ra có thể đọng trong màng não, gây phù não… dẫn đến hôn mê; sẩy thai.
Cách chăm sóc để hạn chế biến chứng
- Khi có biểu hiện và nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, các bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm cần thiết để nhận biết bệnh từ đó đưa ra điều trị kịp thời.
-Nếu sốt cao trên 38,50C độ cần sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ
- Không được sử dụng thuốc hạ sốt Aspirin, Analgin và tự ý truyền dịch…
- Nếu thấy sốt cao mà không đỡ thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ theo dõi. Đối với các trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Phương pháp phòng bệnh
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.
- Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn (kể cả ban ngày); dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
                                                                                                                                         Thảo Ly
 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây