Theo dõi và chăm sóc trẻ Sốt xuất huyết

Thứ ba - 12/07/2022 05:40
Hiện nay, dịch bệnh Sốt xuất huyết tại thành phố Đà Nẵng đang có dấu hiệu tăng cao. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận có 3.043 ca mắc, riêng trong tuần 26 (từ ngày 27/6/2022 – 03/7/6/2022) đã ghi nhận 330 ca, các địa phương có ca mắc tăng cao như Hòa Vang (79 ca), Liên Chiểu (74 ca), cẩm Lệ (43 ca)..., hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Các chuyên gia y tế nhận định, đây là một bệnh truyền nhiễm có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của con người. Đặc biệt ở trẻ em, nếu mắc bệnh rất dễ gặp biến chứng, dễ trở nặng nếu không được phát hiện và xử lý sớm. Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đúng cách là điều mà cha mẹ cần lưu tâm để giúp trẻ nhanh chóng vượt qua và hồi phục.
Hiện nay, bệnh Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ là điều trị triệu chứng nên khi khám phát hiện trẻ mắc Sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ chỉ định cho điều trị ngoại trú hay tại nhà. Ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ và lưu ý những điểm sau:
Chăm sóc khi trẻ sốt
- Cần theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần. Cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không nên để trẻ nô đùa nhiều và nên tránh dùng quần áo quá dày hoặc mặc nhiều áo quần hay ủ kín trẻ. 
- Nếu trẻ sốt trên 38,50C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng. Cần đọc kỹ hướng dẫn trên hộp thuốc và những lưu ý mà bác sĩ hướng dẫn. Chỉ được cho trẻ uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu sốt, không được uống liên tục. Cần lau mát bằng nước ấm khi trẻ sốt để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật.
Chăm soc tre SXH

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc sốt xuất huyết
Trẻ mắc bệnh Sốt xuất huyết nên sẽ bị sốt, đau nhức mình mẩy, khó chịu, mệt, nhạt miệng, nên rất lười ăn uống. Để đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn hàng ngày, dễ tiêu, những thức ăn lỏng như: Cháo, súp, sữa...và chia nhỏ thành nhiều bữa ăn.
 Khi trẻ bị sốt cao (trên 390) trong một thời gian dài sẽ làm cho trẻ bị mất nước và các chất điện giải kèm theo, dẫn đến rối loạn thần kinh, thậm chí co giật. Vì vậy, cần cho trẻ uống nhiều nước để bù dắp lượng nước bị mất do sốt, nếu trẻ uống được nước pha từ oresol thì càng tốt. Nếu không có oresol, có thể cho trẻ uống nước gạo rang hoặc nước muối (cho 2 thìa cà phê muối ăn cùng với 8 thìa cà phê đường trong 1 lít nước đun sôi, để nguội, uống dần trong ngày). Nên cho trẻ uống thêm nước ép cam, chanh tươi để có thêm sinh tố C. Trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian bú mẹ.
Những điều cần tránh khi chăm sóc trẻ mắc Sốt xuất huyết
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc. Không tự ý dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng).
Không cạo gió, vì làn da của trẻ mỏng manh sẽ làm trẻ đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Sốt xuất huyết có khả năng làm chảy máu tiêu hóa, chảy máu chân răng, do đó không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như: Coca, Pepsi, Xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn và khó nhận biết được tình trạng chảy máu tiêu hóa ở trẻ.
Dấu hiệu nguy hiểm
Khi chăm sóc trẻ Sốt xuất huyết, cha mẹ cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu thấy dấu hiệu bất thường sau: Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống; trẻ đau bụng, nôn nhiều, nôn khan; trẻ quấy khóc, bứt rứt, trăn trở khó chịu hoặc li bì hoặc chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, tiêu phân đen…
Quan trọng nhất vẫn là yếu tố phòng bệnh
Sốt xuất huyết tuy là dịch bệnh nguy hiểm, tuy nhiên chúng ta  hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả bằng những việc làm đơn giản hàng ngày.
- Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng  Sốt xuất huyết:
- Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay cho trẻ, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
 

                                                                                                                             Thanh Bình
 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây