Mùa hè là dịp nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em tăng cao, trong đó có hoạt động bơi lội và đây cũng chính là thời điểm hay xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Để hạn chế đuối nước ở trẻ em, chúng ta cần có các biện pháp phòng tránh và trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do nguyên nhân này.
Nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước ở trẻ:
- Do thiếu sự giám sát của người lớn, đặc biệt là để bé chơi một mình nên dễ bị đuối nước ngay tại nhà.
- Do trẻ tự ý đi bơi, tắm ở hồ, ao, sông suối không có người lớn đi cùng.
- Do nơi trẻ sống có nhiều nguy cơ gây đuối nước như ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hồ nước sâu, bãi biển có vùng nước xoáy mà không có cảnh báo.
- Một nguyên nhân rất quan trọng là đa số trẻ không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm. Cách sơ cứu khi bị ngạt nước
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc chèo thuyền vớt nạn nhân lên. Tuyệt đối không nên nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi.
Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
- Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
- Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi bệnh viện.
- Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn (khó thở thứ phát) vài giờ sau ngạt nước.
Trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ là rất cần thiết
Những việc làm không đúng cần tránh
- Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Do khi ngạt nước, nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
- Các nạn nhân ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ.
Cách phòng tránh tai nạn đuối nước: Để phòng tai nạn đuối nước mọi người cần lưu ý đến những việc sau đây:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Khi bơi phải có phao bơi an toàn.
- Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần quan tâm và tăng cường giám sát con trẻ nhiều hơn nữa. Đồng thời, cần trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết để con tự nhận thức được những nguy hiểm xung quanh và biết cách tự phòng tránh những tai nạn thương tích không mong muốn có thể xảy ra.