Tiêm vắc xin - biện pháp đơn giản, hiệu quả trong phòng ngừa bệnh Thủy đậu

Thứ tư - 10/08/2022 04:29
Do bệnh Thủy đậu có tính chất lây lan, nên nếu một người trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh Thủy đậu thì các thành viên khác trong gia đình nên đi tiêm phòng nếu chưa được tiêm phòng trước đó. Tiêm phòng là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự bùng phát bệnh Thủy đậu.
Bệnh Thủy đậu là do vi rút Varicella zoster gây ra, thường xuất hiện vào mùa lạnh. Ở những người khỏe mạnh, đây thường là một bệnh lành tính, đặc trưng bởi sốt nhẹ, khó chịu và phát ban mụn nước, ngứa, toàn thân. Phát ban thường khởi phát ở mặt, bụng, ngực, lưng và lan nhanh ra các phần khác của cơ thể. Nguồn lây nhiễm chủ yếu là từ người bệnh thủy đậu, thời gian truyền bệnh có thể từ lúc ủ bệnh cho đến khi nốt ban đóng vảy. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nước bọt và dịch họng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Những người chưa từng mắc bệnh Thủy đậu đều có thể mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất là trẻ em ở lứa tuổi dưới 15 tuổi. Mặc dù lành tính nhưng Thủy đậu có thể gây khó chịu kéo dài và có liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm: Viêm não, Viêm phổi, nhiễm khuẩn thứ phát, rối loạn chảy máu, nhiễm trùng chu sinh đe dọa tính mạng.

 
thuy dau

Biểu hiện lâm sàng
Không có hoặc có sốt nhẹ, mệt mỏi, trẻ quấy khóc, đau cơ khớp. Ban Thủy đậu xuất hiện nhanh, mới đầu là những ban dát sẩn đỏ, sau nổi lên thành những phổng nước trong rất nông. Sau 24 - 48 giờ, nốt phỏng ngả sang màu vàng, có đường kính khoảng 5mm, xung quanh có nền da tấy đỏ. Ban mọc thành nhiều đợt nên trên bề mặt da sẽ thấy có nhiều loại ban. Ban mọc rải rác ở toàn thân, mọc nhiều ở lưng, ngực, bụng, thắt lưng và chân tóc; cũng có khi mọc ở miệng, họng gây đau đớn cho người bệnh khi nuốt.
Bệnh Thủy đậu có biến chứng như: viêm niêm mạc miệng, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thận, viêm khớp và bội nhiễm với các bệnh khác như Sởi, Bạch hầu. Thủy đậu có thể gây tử vong do nhiễm khuẩn huyết.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc Thủy đậu. Trẻ em từ 6 - 7 tuổi là lứa tuổi dễ mắc bệnh, người lớn ít mắc do đã có miễn dịch. Người đã mắc bệnh Thủy đậu thường có miễn dịch suốt đời, 1% có thể bị mắc bệnh lại.

Tiêm vắc xin - biện pháp đơn giản, hiệu quả phòng ngừa bệnh Thủy đậu

Do bệnh Thủy đậu có tính chất lây lan, nên nếu một người trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh Thủy đậu thì các thành viên khác trong gia đình nên đi tiêm phòng nếu chưa được tiêm phòng trước đó. Tiêm phòng là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự bùng phát bệnh Thủy đậu.
Vắc xin không chỉ ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hoặc phức tạp ở trẻ em khỏe mạnh mà còn bảo vệ những trẻ em có nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả những trẻ bị suy giảm miễn dịch.
Thanh thiếu niên chưa được tiêm chủng nên được tiêm hai liều vắc xin Thủy đậu. Vắc xin an toàn và được dung nạp tốt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm các phản ứng tại chỗ tiêm như đau, đỏ, sưng, phát ban.

Lịch tiêm phòng Thủy đậu

Trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi:

- Mũi 1: Khi trẻ 12 tháng tuổi, liều 0,5ml, tiêm dưới da
- Mũi 2: Khi trẻ 4 - 6 tuổi, liều 0,5ml, tiêm dưới da

Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên (chưa mắc bệnh Thủy đậu lần nào):

- Mũi 1: liều 0,5ml, tiêm dưới da
- Mũi 2: cách mũi 1 từ 4 - 8 tuần, liều 0,5ml, tiêm dưới da

Những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin Thủy đậu cho trẻ

- Thông báo với bác sĩ tư vấn tiêm chủng nếu trẻ có tiền sử dị ứng các mức độ khi tiêm vắc xin. Những trẻ có tiền sử dị ứng nặng hoặc phản vệ với vắc xin hay bất cứ dị nguyên nào nên được đánh giá toàn diện và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Trẻ có sức để kháng yếu, mắc bệnh ung thư, đang hóa trị, xạ trị, mắc các bệnh lý về máu, suy giảm hệ miễn dịch cần được khám và đánh giá tại bệnh viện để được tư vấn có thể tiêm hoặc không tiêm vắc xin.
- Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, đang mắc bệnh mạn tính hoặc nhiễm khuẩn cấp tính, trẻ đang trong thời gian hồi phục sức khỏe,… nên dời lịch hoặc hoãn tiêm cho trẻ.
- Sau khi tiêm vắc xin, vẫn cần hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh hoặc có nguy cơ bị bệnh vì lúc này cơ thể chưa có đủ kháng thể để phòng bệnh.
- Cần được theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút. Trong trường hợp thấy trẻ ngay sau tiêm bị chóng mặt, buồn nôn thì bạn nên thông báo ngay với nhân viên y tế tại phòng tiêm chủng
- Lưu ý không bôi, đắp lên vết tiêm để tránh sưng, viêm, nhiễm trùng.
                                                                                                                                                            Thảo Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây