Việt Nam chiến thắng bệnh lao!

Thứ năm - 23/03/2023 00:26
Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 của Việt Nam là “VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO”. Đây như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao vào năm 2021. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc. Gia đình có bệnh nhân lao phải đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Sau những năm chống chọi với đại dịch COVID-19, năm 2023 là một năm rất quan trọng để chúng ta cùng vào cuộc, đây được coi là “năm của hy vọng” để nhận được sự chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao. “VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO” - chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Những kết quả phục hồi công tác phòng chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao. Chủ đề lạc quan này cũng mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người, hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Một trong những tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu mũi nhọn này, bên cạnh việc phát hiện thụ động thường quy tại các tuyến y tế quận, huyện thì việc triển khai các hoạt động khám sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh lao bằng chiến lược 2X (Xquang – Xpert), sàng lọc lao tiềm ẩn tại cộng đồng cũng là hoạt động không thể thiếu để phát hiện sớm bệnh từ đó đưa vào quản lý, điều trị kịp thời, hiệu quả. Xác định người bị nhiễm lao và điều trị lao tiềm ẩn là một trong những bước quan trọng để có thể cắt đứt được đường lây truyền và giảm gánh nặng của bệnh lao trên toàn cầu. Chiến lược 2X là tiếp cận sử dụng đồng thời hai kỹ thuật Xquang và Gene Xpert trong sàng lọc phát hiện ca bệnh lao. Theo đó Xquang là kỹ thuật sàng lọc ban đầu, sau đó xét nghiệm Xpert sẽ được sử dụng để phát hiện sớm ca bệnh với độ tin cậy cao. Người có nguy cơ sau khi được loại trừ khả năng mắc lao, và được xác định nhiễm lao sẽ được đưa vào điều trị lao tiềm ẩn.
Lao 1
Lao 2
Hình ảnh người dân tham gia khám sàng lọc bệnh lao và test Mantoux sàng lọc lao tiềm ẩn

Năm 2023, được sự quan tâm và chỉ đạo của Sở Y tế TP Đà Nẵng và Dự án phòng chống lao – Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch triển khai khám sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn cho cộng đồng dân cư các quận/huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, dự kiến khám, chụp phim X-quang miễn phí, tầm soát bệnh lao cho 30.000 người dân và thực hiện test sàng lọc lao tiềm ẩn cho 3.000 – 5.000 người dân có nguy cơ cao. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm tăng cường phát hiện sớm ca mắc lao đưa vào điều trị, giảm thiểu nguồn lây cho cộng đồng. Người có nguy cơ sau khi được loại trừ khả năng mắc lao hoạt động và được xác định nhiễm lao sẽ được đưa vào điều trị lao tiềm ẩn.
Chiến lược 2X, sàng lọc lao tiềm ẩn sẽ giúp chúng ta đi đúng lộ trình hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, và hướng tới một thế giới trong tương lai không còn bệnh lao!
Bs. Trần Văn Tuấn, Bs. Hoàng Thị Diễm Hương 
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây