Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng nhanh, đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh
Thứ ba - 06/09/2022 04:20
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đang gia tăng tại các cơ sở điều trị. Số bệnh nhân tử vong cũng liên tục ghi nhận những ngày gần đây; Tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng nhanh
Bộ Y tế cho biết ngày 5/9 có 2.161 ca COVID-19 mới, cao hơn gần 700 ca so với hôm qua. Cũng trong ngày 5/9, số bệnh nhân khỏi tăng vọt so với những ngày trước đó với gần 21.000 trường hợp; có 2 bệnh nhân tại Thanh Hoá và Tây Ninh tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.421.055 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.085 ca nhiễm). Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.232.281 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát hơn 1,145 triệu trường hợp, trong đó có 144 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 133; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3; Thở xâm lấn: 8. Số ca bệnh nặng này tăng 45 trường hợp so với ngày trước đó.
Những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại
Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc, nhất là trong 7 ngày qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.500 ca mắc mới mỗi ngày (có ngày ghi nhận cao với trên 3.000 ca), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Theo các chuyên gia dịch tễ, việc xuất hiện các biến thể phụ mới của Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) ở nước ta đã khiến ca mắc mới COVID-19, bệnh nhân nặng nhập viện gần đây tăng mạnh.
Trong số hàng chục mẫu bệnh phẩm được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM làm giải trình tự gene thời gian qua cho thấy, biến thể phụ BA.5 chiếm 60% ở các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, còn tại TP HCM thì biến thể này chiếm đến 80% các ca bệnh. Theo đánh gía các biến thể phụ này đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Đáng lưu ý, qua đánh giá các ca bệnh COVID-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine COVID-19.
Đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh
Do đó cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến thể mới của COVID-19.
Theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; giám sát sự lưu hành của virus SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...