Hầu hết trẻ mắc Tay-Chân-Miệng được điều trị tại nhà, cách chăm sóc sao cho đúng?
Thứ ba - 19/07/2022 04:17
Tay-Chân-Miệng (TCM) thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi và bệnh thường nhẹ. Thông thường trẻ mắc bệnh được điều trị tại nhà, phụ huynh cần lưu ý những điều sau để chăm sóc trẻ đúng cách, tránh biến chứng nặng.
Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu Trẻ mắc bệnh TCM thường có bọng nước, vết loét trong miệng khiến cho trẻ biếng ăn hơn. Do đó cần chế biến cho trẻ những món ăn mềm, lỏng. Nếu trẻ không ăn được nhiều trong một lần, nên chia làm nhiều bữa để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Cho trẻ uống nhiều nước mát, nước ép trái cây và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng thìa mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua, cay, nóng. Không nên ép trẻ ăn vì sẽ làm trẻ sợ ăn, dẫn tới biếng ăn sau này. Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ Hiện tại bệnh TCM chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Với những trẻ được cho về điều trị, theo dõi tại nhà chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ sốt từ 38,50Cthì dùng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10 – 15mg/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ, tuyệt đối không sử dụng Aspirine để hạ sốt, giảm đau cho trẻ em. Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được; tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Đảm bảo vệ sinh cho trẻ và người chăm sóc Quần áo, tã lót của trẻ bị bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như Cloramin B hoặc luộc nước sôi trước khi giặt. Vật dụng cá nhân của trẻ như bình sữa, ly/cốc, chén/bát, muỗng... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn. Khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa sự tái nhiễm bệnh TCM. Thường xuyên lau dọn nhà cửa, đồ chơi của trẻ. Cách ly với trẻ chưa mắc bệnh Trẻ xác định đã mắc bệnh TCM phải được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường. Nếu gia đình có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh bằng nhiều cách để tránh lây bệnh. Khuyến khích trẻ bệnh không nên chơi chung với trẻ lành trong thời gian mắc bệnh. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh nên đeo khẩu trang cho mình và cả trẻ, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành. Theo dõi sát trẻ Trong thời gian 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì phải đưa trẻ đi tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện sớm những diễn biến bất thường Khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau, phải ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện: - Sốt cao; thở bất thường; - Quấy khóc liên tục; khó ngủ hoặc ngủ li bì, hoặc ngủ gà; - Giật mình, hốt hoảng, chới với; - Ngồi không vững hoặc đi loạng choạng; run tay, chân hoặc co giật; - Vã mồ hôi; nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú; yếu tay chân; da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...