Hiện nay, trên thế giới có hàng chục loại vắc xin sởi dưới dạng vắc xin đơn hoặc vắc xin phối hợp (sởi-rubella hoặc sởi-quai bị-rubella). Hầu hết các vắc xin được trình bày dưới dạng vắc xin đông khô đi kèm với dung môi. Hiện nay, vắc xin dạng xịt đang được nghiên cứu trên thế giới. Các loại vắc xin được sản xuất từ các chủng vắc xin khác nhau, tuy nhiên đều thuộc týp sinh học A.
2. Tiêm vắc xin sởi có tác dụng như thế nào?
Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm vi rút sởi, bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon.
3. Tiêm vắc xin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi?
Cũng như các vắc xin khác, tiêm vắc xin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắc xin, loại vắc xin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
4. Miễn dịch sau tiêm vắc xin sởi có bền vững suốt đời?
Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vắc xin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.
5. Tại sao phải tiêm hai liều vắc xin sởi?
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm vắc xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vắc xin...
Việc tiêm mũi thứ vắc xin sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%. Tiêm mũi thứ hai không nhằm mục đích làm tăng hiệu giá kháng thể đối với những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch.
6. Những ai cần tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi?
Tất cả các trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất vắc xin sởi, chưa tiêm vắc xin sởi hoặc chưa từng mắc sởi. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trên thực tế không cần xét nghiệm xác định tình trạng miễn dịch của trẻ để cán bộ y tế chỉ định tiêm vắc xin. Do vậy, đối tượng cần tiêm mũi thứ hai là tất cả các trường hợp chưa tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi hoặc những trường hợp không có đầy đủ bằng chứng (phiếu, sổ tiêm chủng) chứng minh đã tiêm mũi thứ hai. 7 Có nên tiêm vắc xin đối với người đã từng mắc sởi?
Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm vắc xin sởi. Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm vắc xin sởi.
8. Vắc xin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với vi rút sởi không?
Vi rút sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vắc xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc. Việc tiêm vắc xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
Tuy nhiên, người đã tiêm vắc xin sởi vẫn có khả năng mắc bệnh sởi nhưng tỉ lệ chiếm rất nhỏ. Triệu chứng khi mắc sẽ nhẹ hơn và không gây lây nhiễm vi rút cho người khác nên không cần cách ly.
Hồng Hoa (Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia)