Hỗ trợ kỹ thuật về chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại thành phố Đà Nẵng

Thứ năm - 06/06/2024 04:31
Thực hiện Công văn số số 465/AIDS-ĐT ngày 24/04/2024 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS giám sát hỗ trợ điều trị HIV và quản lý, sử dụng thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã thành lập đoàn hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) bao gồm các đơn vị: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, thành viên tổ HTKT Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tuyến thành phố, đại diện Tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Từ ngày 14-15/5/2024, Đoàn đã thực hiện công tác HTKT tại 03 cơ sở y tế đang cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS trên địa bàn thành phố (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Da Liễu Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Thanh Khê). Tại các buổi làm việc, các cơ sở y tế đã báo cáo tình hình Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; tình hình sử dụng thuốc kháng HIV (ARV) tại đơn vị, rà soát lại các quy trình liên quan, giải đáp và tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc.
 
giám sát HIV
Đoàn làm việc tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê ngày 14/5/2024
         
Chiều ngày 15/5, Đoàn làm việc tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố với sự tham gia của PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn đã có buổi trao đổi, làm việc tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng về triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tham dự buổi làm việc, có TS.BS. Eric Dziuban, Giám đốc tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; các đại diện thuộc tổ chức CDC Hoa Kỳ; đại diện các Phòng thuộc Cục, đại diện Dự án Quỹ toàn cầu. 
Tham gia tiếp Đoàn công tác có Bs.CKII Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng; Bs.CKI Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cùng đại diện Phòng Nghiệp Vụ Y, Sở Y tế; các Khoa/Phòng liên quan đến chương trình Phòng, chống HIV/AIDS của Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện Da liễu; Bệnh viện Phụ sản - Nhi.
 
giám sát HIV 2
Đoàn làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ngày 15/5/2024

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, đến 31/3/2024, luỹ tích số phát hiện nhiễm HIV tại thành phố Đà Nẵng là 3.667 người, 521 người tử vong do AIDS. Từ năm 2020 gia tăng số phát hiện nhiễm HIV ở mức ≥ 200 người/ năm. Hơn 40% nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); 100% lây truyền đường tình dục; 7/7 quận/huyện có phát hiện nhiễm HIV/năm, tuy nhiên phát hiện nhiều tập trung các quận nội thành chiếm 93,2% trong độ tuổi 15-49. 
Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được giám sát, quản lý chặt chẽ, các hoạt động được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tại các tuyến. Sử dụng có hiệu quả các kinh phí hoạt động phòng chống HIV/AIDS, không để chồng chéo kinh phí hoạt động giữa các nguồn. Đạt 115% so với chỉ tiêu giao (26%/năm) về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV trên nhóm nguy cơ cao và (MSM). Mở rộng truyền thông điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đến các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và một số dịch vụ vui chơi giải trí. Đạt 51,2% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV và được điều trị sớm trong tuần (tăng 7% so với năm 2022). Đạt 92,8% người bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV xét nghiệm tải lượng HIV, 96,3 % dưới ngưỡng ức chế (<1000 pc/ml). Phát huy hiệu quả hệ thống thông tin quản lý người nhiễm Info 4.0, từng bước hoàn thiện việc thu thập số liệu đánh giá tình hình dịch.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đà Nẵng vẫn còn một số những khó khăn trong việc tiếp cận nhóm nguy cơ cao MSM do là đối tượng nhiều ngành nghề có trí thức, có mật độ di biến động cao, thay đổi theo mùa (mùa du lịch); nhiều bạn tình, khó lộ diện …. Khó mở dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) đối với phòng khám tư nhân do thiếu sự đồng bộ từ phòng khám, nhà thuốc và cơ chế thu chi dịch vụ. Nguồn thuốc ARV (BHYT) bị gián đoạn vì vậy ảnh hưởng đến việc cấp phát thuốc cho bệnh nhân điều trị ARV. Khó khăn trong việc ký hợp đồng xét nghiệm tải lượng HIV với các đơn vị thực hiện dịch vụ xét nghiệm từ nguồn BHYT (do không có sinh phẩm xét nghiệm hoặc không nhận mẫu vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển). Hoạt động kích cầu triển khai dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc PrEP trong khu công nhiệp, lực lượng vũ trang…còn gặp một số khó khăn như: thiếu kinh phí, thiếu kỹ năng…
Phát biểu tại buổi làm việc, TS.BS. Eric Dziuban, Giám đốc tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam chúc mừng những thành tựu đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng. Đà Nẵng đã triển khai một chương trình điều trị HIV xuất sắc, bao gồm các sáng kiến như điều trị trong ngày, MMD, tối đa hóa phác đồ điều trị ARV bằng TLD và duy trì mức ức chế virus ở mức cao. Những nỗ lực này phù hợp với định hướng chiến lược của PEPFAR nhằm tăng cường điều trị HIV thông qua chất lượng, dịch vụ lấy con người làm trung tâm và triển khai các sáng kiến mới trong cung cấp dịch vụ. Ông cũng thể hiện mong muốn được hợp tác cùng nhau để triển khai hiệu quả các hoạt động, hướng tới đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Trên cơ cở báo cáo kết quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS của CDC Đà Nẵng, Cục trưởng Phan Thị Thu Hương đánh giá cao sự Lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Sở Y tế, CDC thành phố Đà Nẵng trong công tác tổ chức triển khai đồng bộ chương trình PC HIV/AIDS trong thời gian qua và sự vào cuộc của các cơ sở y tế trực thuộc (các bệnh viện, TTYT, …), các cán bộ y tế tham gia trực tiếp các hoạt động can thiệp dự phòng, xét nghiệm, điều trị HIV tại các cơ sở.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, kết nối điều trị HIV, PrEP, Methadone, Cục trưởng đề nghị: Các đơn vị cần bám sát vào Mục tiêu của Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ khi xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng. Các hoạt động can thiệp, dự phòng lây nhiễm HIV cần tiếp cận, tìm ca và xét nghiệm tập trung cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt nhóm MSM, nhóm TG, PNBD, đồng thời thực hiện quy trình kết nối điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV hoặc chuyển gửi sang các dịch vụ dự phòng phù hợp: PrEP, BKT, BCS, MMT. Tăng cường, duy trì chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho nhóm người tiêm chích ma túy. Tăng cường hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV và kỹ năng khai thác hành vi nguy cơ để xác định được đúng nhóm đối tượng đích, từ đó triển khai các can thiệp phù hợp. Thực hiện xét nghiệm HIV thông báo kết quả xét nghiệm khẳng định HIV (+) thực hiện theo quy trình nhằm quản lý, kết nối điều trị HIV sớm, không để tình trạng mất dấu người nhiễm. Riêng với công tác điều trị HIV/AIDS: cần đảm bảo các cơ sở điều trị đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh thanh toán qua BHYT bao gồm thuốc ARV và xét nghiệm tải lượng HIV, CD4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV cho người bệnh. Tăng cường các biện pháp quản lý người bệnh HIV, giảm tỷ lệ bỏ trị, tử vong liên quan đến HIV/AIDS; Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: tất cả các PNMT đều được xét nghiệm sàng lọc HIV, đảm bảo tất cả trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng và thực hiện XN để chẩn đoán sớm trẻ nhiễm HIV. Thực hiện tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm HIV, tư vấn tuân thủ điều trị, sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV đang được quản lý điều trị. Theo phương châm “LẤY NGƯỜI BỆNH LÀM TRUNG TÂM” bên cạnh điều trị thuốc ARV tại mỗi cơ sở điều trị cần cung cấp các gói dịch vụ điều trị toàn diện: các bệnh đồng nhiễm (lao/HIV; VGC, STIs …), các bệnh đỗng diễn (các bệnh không lây nhiễm: tăng HA, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần…….) 
Với công tác quản lý sử dụng thuốc ARV: Cần theo dõi tồn kho thuốc các nguồn, kịp thời điều chỉnh thời gian kê đơn cấp thuốc đảm bảo thuốc duy trì cho người bệnh trong thời gian chờ mua thuốc BHYT năm 2024-2025.
Cục trưởng cũng đề nghị tổ chức CDC Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tổ chức triển khai chương trình Phòng, chống HIV/AIDS: Hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực thông qua tập huấn/hội thảo/hội nghị và tham quan chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ y tế từ trung ương đến địa phương; Cung cấp các tài liệu về chuyên môn, kỹ thuật tiên tiến, cập nhật từ US.CDC cũng như xây dựng các mô hình mới về can thiệp, xét nghiệm, điều trị PrEP, điều trị Methadone, điều trị HIV cho chương trình HIV/AIDS 
Về phía Cục Phòng, chống HIV/AIDS, sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Y tế, Chính phủ hoàn thiện các văn bản Quy phạm Pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho chương trình Phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm đảm bảo thuốc ARV cho người nhiễm HIV; các Phòng, Văn phòng Cục theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức, dự án các chuyên gia hỗ trợ các tỉnh, thành phố về nâng cao năng lực toàn diện, chuyên sâu và hướng dẫn các tỉnh tổ chức thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS phù hợp./.                                                    
Quỳnh Anh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây