Thuận tự nhiên trong sinh đẻ, cần hiểu đúng và đủ!
Thứ năm - 30/01/2020 21:33
Chúng ta đang nói về “thuận theo tự nhiên” trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Cũng biết rằng: ở thời buổi tràn lan chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng... mà việc người sản xuất, sử dụng thiếu hiểu biết, thiếu lương tâm... cùng với khả năng kiểm soát sản xuất, lưu hành, sử dụng còn bất cập thì người ta nói nhiều về những cái tự nhiên là điều dễ hiểu.
Chúng ta đang nói về “thuận theo tự nhiên” trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Cũng biết rằng: ở thời buổi tràn lan chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng... mà việc người sản xuất, sử dụng thiếu hiểu biết, thiếu lương tâm... cùng với khả năng kiểm soát sản xuất, lưu hành, sử dụng còn bất cập thì người ta nói nhiều về những cái tự nhiên là điều dễ hiểu. Về y học, ở một góc nhìn đúng thì thuận tự nhiên là khoa học, là có lợi, là tốt cho sức khỏe con người. Có thể lấy những ví dụ: em bé sinh ra được bú sữa tự nhiên từ vú mẹ; sử dụng thực phẩm hữu cơ, an toàn; sử dụng nguồn dược liệu trong thiên nhiên chữa các bệnh mãn tính...Tuy nhiên, thuận theo tự nhiên không đồng nghĩa với việc chúng ta giao phó sức khỏe, sinh mạng của con người cho tự nhiên, cho phép màu nào đó trước những tác động có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người. Tin và để thuận theo tự nhiên trong những tình huống đó là nhầm lẫn tai hại, mù quáng, có thể biến chúng ta thành kẻ làm chết người.
Ngày nay, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, y học bằng chứng đã khẳng định được việc can thiệp đúng đắn của khoa học đã làm giảm rõ rệt tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh liên quan đến thai nghén trên toàn thế giới, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Các can thiệp có thể kể ra: bổ sung acid folic trước mang thai giúp giảm khuyết tật ống thần kinh của thai nhi (dị tật nứt đốt sống, thoát vị não-màng não, thai vô sọ...), khám thai định kỳ phát hiện sớm bất thường ở mẹ và thai để lập kế hoạch theo dõi, xử trí kịp thời, hạn chế nguy cơ cho mẹ và thai nhi; cho con da kề da với mẹ ngay sau sinh, kể cả sinh mổ; cho con bú mẹ sớm và hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú kéo dài đến ít nhất 24 tháng; tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ, bổ sung vitamin A cho trẻ phòng bệnh khô mắt, mù lòa;...
Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi muốn bàn đến trào lưu “sinh thuận tự nhiên” mới nhen nhóm trong thời gian gần đây tại cộng đồng. Chúng ta hiểu rằng: sinh đẻ là một hiện tượng tự nhiên để các loài duy trì nòi giống và con người cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, cũng nhớ quy luật tự nhiên là có đào thải và mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên này có mối quan hệ tác động tương hỗ lẫn nhau. Trong chuyện sinh đẻ, ông bà ta từ ngày xưa đã có câu “cửa sinh là cửa tử”. Con người là một cá thể sinh vật trong môi trường tự nhiên. Tác động của môi trường tự nhiên đó lên con người có 2 mặt: tốt và xấu, thuận lợi và khó khăn. Muốn tồn tại và phát triển trong môi trường tự nhiên, thì phải hiểu “thuận tự nhiên” theo nghĩa sâu sắc là: không đi ngược lại những quy luật đúng của tự nhiên nhưng phải biết phân tích, tổng hợp trên cơ sở lý luận khoa học có bằng chứng y học dẫn đường để hạn chế những tác động xấu, tác động có hại lên sức khỏe và sự tồn tại của con người. Sự hiểu biết của mỗi chúng ta về tự nhiên là có hạn, vậy mỗi người phải biết vận dụng sự hiểu biết của cộng đồng con người được tích lũy qua hàng nghìn năm để làm giàu vốn kiến thức của mình. Công nghệ thông tin bùng nổ và đa chiều giúp con người nhiều cơ hội và phương pháp tìm kiếm, thu thập thông tin về những lĩnh vực ta quan tâm nhưng cũng có mặt trái chết người của nó là các thông tin chưa được kiểm chứng, sai lệch, thậm chí một số đối tượng lợi dụng khoa học phục vụ cho mục đích gây ảnh hưởng, truyền bá các tư tưởng, đạo giáo...mà nếu không đủ khả năng và sự tỉnh táo để phân tích, để nghe và áp dụng theo thì sẽ vô cùng tai hại.
Ta thử phân tích: ở người phụ nữ có thai việc phải mang thêm khối lượng thai nhi và các phần phụ như nhau thai, nước ối, tử cung tăng kích thước so với bình thường, có thai đã là một gánh nặng đúng nghĩa! Mọi cơ quan của cơ thể người mẹ phải tăng công suất hoạt động để đáp ứng khối lượng tăng thêm này, đặc biệt là hoạt động của tim mạch. Sự thay đổi nội tiết, thể dịch... khi có thai là yếu tố làm dễ gây ra một số bệnh lý về mạch máu, chuyển hóa: đái đường, rối loạn tuyến giáp, tăng huyết áp... để từ đó có thể đưa đến một kết cục thai kỳ cực xấu cho cả mẹ và thai nhi. Nguy cơ tăng cao nhất thường ở thời điểm quanh chuyển dạ, nên gọi “cửa sinh là cửa tử” là vậy.
Một số phân tích dễ nhận thấy: khung chậu người mẹ được cấu tạo bởi khung xương, khớp và các cấu trúc mềm (cơ, dây chằng...), chỉ có thể giãn nở ở một giới hạn nhất định. Trường hợp thai nhi quá to so với khung chậu người mẹ hoặc thai nhi trung bình nhưng khung chậu người mẹ hẹp tuyệt đối, khả năng sinh qua đường âm đạo tự nhiên hoàn toàn không thể được. Nếu cố gắng để sinh đường âm đạo tất yếu sẽ gây sang chấn cho mẹ, cho bé, thậm chí gây nguy hiểm chết mẹ chết con hoặc cả hai. Những trường hợp ngôi thế của thai nhi trong tử cung bất thường (ngôi ngang, ngôi ngược...) cũng tương tự. Trường hợp người mẹ chuyển dạ kéo dài, sinh nhiều lần khiến cơ tử cung nhão, co hồi kém có thể gây băng huyết sau sinh, nếu không kịp thời theo dõi phát hiện cũng có thể nguy đến tính mạng người mẹ. Trường hợp thai nhi non tháng, chuyển dạ lâu, rặn đẻ lâu... nếu không phát hiện và xử trí hợp lý sẽ có thể chết sơ sinh. Mẹ không tiêm phòng uốn ván sơ sinh trong thai kỳ, sinh trong điều kiện môi trường không sạch, dụng cụ cắt rốn nhiễm khuẩn... có thể nhiễm khuẩn rốn, uốn ván rốn mà một khi đã mắc bệnh thì khả năng tử vong của trẻ gần như tuyệt đối. Đó chỉ là số ít ví dụ cụ thể, đơn giản để thấy rằng: việc mang thai và sinh đẻ tuy là hiện tượng tự nhiên nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé.
Ở thái cực ngược lại, không ít bà mẹ trẻ nằng nặc đòi sinh mổ với rất nhiều lý do: để nhanh chóng chấm dứt cơn đau chuyển dạ, vì nhận thức lệch lạc rằng mổ lấy thai sẽ an toàn hơn cho mẹ và bé, thậm chí để đứa bé được sinh ra vào một giờ tốt ngày tốt nào đó...Người thân của họ cũng đồng thời gây tăng áp lực lên người thầy thuốc trong việc cân nhắc đẻ thường hay mổ lấy thai. Những nguyên nhân chủ quan và khách quan ấy làm gia tăng đột biến tỷ lệ mổ đẻ hiện nay. Có thể những bà mẹ này và người thân của họ chưa đủ thông tin và nhận thức được rằng, chỉ nên mổ lấy thai trong những trường hợp có chỉ định y khoa, những trường hợp mà việc sinh tự nhiên theo đường âm đạo sẽ có kết cục hoặc không có lợi cho người mẹ hoặc cho em bé hoặc cả hai. Bởi vì những hậu quả của mổ lấy thai có thể ngay trước mắt cho thai nhi (suy hô hấp do hít nước ối, nhiễm trùng hô hấp, sang chấn, ...), cho người mẹ (tác dụng phụ của gây tê gây mê, đau hậu phẫu, vận động hạn chế, nằm viện dài ngày...) hoặc dài lâu (với mẹ do gây tê tủy sống, dính vết mổ, dính ruột, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo, nhau bong non, nứt vết mổ trong lần có thai sau..., với bé có thể giảm khả năng miễn dịch...). Với những trường hợp này, câu chuyện “thuận tự nhiên” rất cần được khuyến cáo, nghĩa là chúng ta tôn trọng diễn biến tự nhiên của một cuộc chuyển dạ, với sự theo dõi chặt chẽ và nhận định đúng đắn của thầy thuốc để tránh cuộc mổ lấy thai không cần thiết.
Thuận tự nhiên trong việc mang thai và sinh đẻ cần được hiểu đúng và đầy đủ là như thế. Chúng ta không can thiệp khi diễn biến tự nhiên của việc mang thai và sinh đẻ là thuận lợi nhưng khi có những yếu tố tiên lượng bất lợi, nguy cơ cho mẹ và bé có thể xảy ra thì việc can thiệp khoa học, hợp lý là cần thiết. Dù dân trí hiện nay đã cao hơn, nhưng một người không thể hiểu biết sâu sắc mọi lĩnh vực, vì vậy, thuận tự nhiên đòi hỏi đặt trong sự theo dõi, quản lý thường xuyên, liên tục của ngững người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực. Có như vậy mới tránh được sự dằn vặt khi sự việc đã xảy ra: sao chúng ta không làm gì để mặc sự sống của người mẹ, của em bé tự nhiên... mất đi!