Trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, vẫn còn không ít sản phẩm chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng gây hoài nghi và lo ngại cho người tiêu dùng.
Điều đáng nói là, một số sản phẩm TPBVSK dù đảm bảo chất lượng, nhưng khi quảng cáo lại thổi phồng công dụng, tạo cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về hiệu quả. Thậm chí, lợi dụng nhu cầu và tâm lý mong muốn tăng cường sức khỏe nhanh chóng của người dân, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã trà trộn những sản phẩm TPBVSK giả, kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng. Nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cộng đồng, trong bài viết này, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin giúp người dân nhận biết và lựa chọn TPBVSK một cách an toàn, chất lượng. 1. Hiểu đúng về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có dấu hiệu bệnh lý, người dân tuyệt đối không tự ý dùng TPBVSK thay thế thuốc điều trị, mà cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. 2. Chỉ chọn mua TPBVSK được Cục An toàn thực phẩm cấp phép Nguyên tắc quan trọng khi chọn mua TPBVSK đó là: sản phẩm phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Những sản phẩm đạt yêu cầu sẽ được công khai trên trang web của Cục An toàn thực phẩm: https://vfa.gov.vn https://dichvucong.moh.gov.vn Người tiêu dùng nên chủ động tra cứu thông tin về Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm của TPBVSK trước khi quyết định mua sản phẩm.
3. Kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm TPBVSK Khi mua TPBVSK, hãy kiểm tra kỹ các thông tin ghi trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu), đảm bảo có đầy đủ các thông tin về: + Tên sản phẩm; + Ngày sản xuất, hạn sử dụng; + Thành phần, thành phần định lượng; + Định lượng; + Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản: Công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng; + Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có); + Ghi cụm từ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”; + Ghi cụm từ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. + Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có). + Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm. 4. Cảnh Giác Với Quảng Cáo Trên Mạng Xã Hội Hiện nay, TPBVSK thường được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, nhưng không phải quảng cáo nào cũng đáng tin. Người tiêu dùng cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo để tránh bị lừa đảo, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cụ thể như: - Quảng cáo hứa hẹn "chữa khỏi bệnh" sau khi uống TPBVSK, đó là dấu hiệu vi phạm về quảng cáo. - Quảng cáo có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu sản phẩm, không có dòng chữ cảnh báo bắt buộc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", đó cũng là dấu hiệu vi phạm về quảng cáo. Trước khi quyết định mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hãy dành chút thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm một cách cẩn thận. Chỉ một hành động nhỏ của bạn hôm nay có thể tạo nên lá chắn vững chắc cho sức khỏe của bạn trong tương lai. Lựa chọn thực phẩm bảo vệ sức khỏe an toàn chính là bảo vệ chính mình và gia đình mình. Hãy là người tiêu dùng thông thái!/.