Những điều nên làm với trẻ thừa cân, béo phì

Thứ ba - 14/11/2023 22:35
Thừa cân béo phì (TC-BP) là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ do hậu quả của sự mất cân bằng năng lượng, có nghĩa là năng lượng đưa vào cơ thể vượt quá năng lượng tiêu hao. Hậu quả của TC-BP sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ khi trưởng thành như dễ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, sỏi mật, viêm khớp…
Lý do khiến hiện nay nhiều trẻ em hay bị TC-BP là do trẻ thường dành nhiều thời gian cho hoạt động tĩnh tại như xem tivi, chơi điện tử nhưng ít tập luyện thể dục thể thao. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, ở những trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, trẻ nhẹ cân hoặc cân nặng lúc sinh quá cao khi lớn lên cũng dễ bị TC-BP.
Trẻ béo phì thường chậm chạp và hay bị bạn bè trêu chọc, phân biệt đối xử, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và khả năng học tập của trẻ. Do đó cần phải phát hiện sớm từ lúc trẻ có nguy cơ bị thừa cân để tìm cách phòng chống.
* Những điều nên làm với trẻ thừa cân, béo phì
1. Theo dõi cân nặng:Cách tốt nhất để phát hiện trẻ bị thừa cân là luôn theo dõi cân nặng của trẻ, nếu thấy trẻ tăng cân quá nhanh trong một thời gian ngắn thì cần đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế, cân đo xác định mức độ thừa cân và hướng dẫn trẻ cách tập luyện, ăn uống hợp lý.
theo dõi cân nặng

2. Không bắt trẻ nhịn ăn: Cơ thể trẻ em luôn phát triển và tăng trưởng, vì vậy trong điều trị TC-BP ở trẻ em không được bắt trẻ nhịn đói vì nhịn đói mỗi ngày có thể giảm cân nặng nhưng lại gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng, làm giảm khối lượng cơ và rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng học tập của trẻ. Nên làm những việc sau:
- Phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh ăn một loại thực phẩm nào đó.
- Cho trẻ ăn đều đặn các bữa, tránh bỏ bữa. Không để trẻ quá đói vì nếu bị đói, trẻ sẽ ăn nhiều hơn vào các bữa sau.
- Hạn chế các món rán, xào, nên làm các món luộc, hấp, kho.
- Dặn trẻ nhai kỹ và ăn chậm (nếu ăn quá nhanh thì sẽ ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết).
- Nên ăn no vào bữa sáng để tránh ăn vặt ở trường, giảm ăn về chiều và tối.
- Ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt. Giảm bớt gạo, thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.
- Nếu uống sữa thì nên uống loại không đường; trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.
- Khuyên trẻ không nên ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn đường phố nhiều dầu mỡ, năng lượng.
- Gia đình nên ăn cùng nhau, thời gian trong bữa ăn là thời gian thoải mái, trao đổi và chia sẻ những việc đã xảy ra trong ngày.
3. Khuyến khích trẻ tăng cường vận động:
- Sau thời gian ở trường, phụ huynh cần khuyến khích con mình làm việc nhà tùy theo độ tuổi để trẻ được vận động nhiều nhất có thể. Hạn chế cho trẻ ngồi xem tivi, điện thoại, chơi game…
- Cho trẻ tham gia các môn thể thao dễ thực hiện như: đi bộ đến trường, chạy, nhảy dây, đá bóng, đánh cầu lông, đá cầu, leo cầu thang…
vận động

- Khi trẻ bị đổ nhiều mồ hôi do hoạt động thể lực, cần uống đủ nước để bù lại lượng nước bị mất.
Như vậy, tăng cường các hoạt động thể lực ở trẻ, cùng với đó là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để kiểm soát tốt cân nặng, sẽ giúp trẻ hạn chế được TC-BP, phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt.
* Những điều không nên làm với trẻ thừa cân, béo phì
- Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có gas hoặc ăn các loại bánh kẹo, đường mật, kem, sữa đặc có đường.
- Không dự trữ sẵn các loại thức ăn giàu năng lượng như: Bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocolate, kem, nước ngọt trong nhà.
- Không nên cho trẻ ăn vào lúc tối trước khi đi ngủ.
- Không cho trẻ nhai kẹo cao su làm cho trẻ lúc nào cũng muốn nhai.
- Không nên bắt trẻ học quá nhiều, thay vào đó là tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.
                                                                                                                                                                   Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây