6 2 banner2 1

NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ AN TOÀN TRONG MÙA DỊCH COVID-19

Thứ ba - 25/05/2021 04:56
Trong thời gian bùng phát đại dịch do coronavirus (COVID-19) nhiều bà mẹ chuẩn bị sinh và đang nuôi con lo lắng về việc lây nhiễm bệnh. Vì vậy, việc chăm sóc và nuôi dưỡng bé thế nào cho an toàn trong mùa dịch là vô cùng quan trọng.
     Để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19, Viện dinh dưỡng Quốc gia đã khuyến nghị: “Trẻ em dưới 6 tháng tuổi nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn vì đây là biện pháp phòng, chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ. Tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng”.
 
2505213

Sữa mẹ có nhiều kháng thể, cho trẻ bú sớm và duy trì đến 24 tháng
     Các mẹ cần biết, sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn và cung cấp cho trẻ tất cả các dưỡng chất cần thiết giúp trẻ phát triển toàn diện. Vì vậy, các bà mẹ cần thực hiện tốt việc nuôi con bằng sữa mẹ để đảm bảo sức khỏe cho cả trẻ và mẹ.
     Do vậy, cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, để trẻ có thể tận hưởng nguồn sữa non quý giá với nhiều kháng thể từ mẹ giúp trẻ phòng ngừa được nhiều bệnh và đào thải phân su, bớt bị vàng da sau sinh. Việc cho trẻ bú mẹ sớm với phương pháp da kề da sẽ giúp giữ ấm và trẻ sẽ dễ thở hơn, tập cho trẻ ngậm bắt vú mẹ dễ dàng khi vú mẹ còn mềm, ngoài ra còn giúp mẹ co hồi tử cung và giảm mất máu. Giúp cho cả mẹ và bé cảm thấy gần gũi với nhau hơn.
     * Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mà không cho trẻ ăn, uống loại thức ăn gì khác, kể cả nước lọc vì sữa mẹ đã cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và nước mà trẻ cần trong 6 tháng đầu đời. Số lần cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu của trẻ, nếu trẻ bú càng nhiều thì khả năng tạo sữa của mẹ càng nhiều.
     * Khi trẻ tròn 6 tháng, là lúc cần được ăn thêm các thực phẩm ngoài sữa mẹ gọi là chế độ ăn bổ sung: vì các loại thức ăn giúp bổ sung thêm cho sữa mẹ, chứ không hoàn toàn thay thế được sữa mẹ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng, do đó vẫn phải duy trì cho trẻ bú mẹ.
* Khi trẻ trên 12 tháng, cho trẻ ăn 3-4 bữa cháo đặc, bột sò, bánh phở, soup, nui,…, sau 18 tháng tuổi có thể tập cho trẻ ăn cơm nghiền. Bổ sung 1-2 bữa phụ như: quả chín cắt lát mỏng, sữa chua, phô mai, bánh plan,…
* Trong giai đoạn từ 6-12 tháng tuổi, sữa mẹ sẽ cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và từ 12-24 tháng, sữa mẹ sẽ tiếp tục cung cấp ít nhất một phần ba nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ còn tiếp tục cung cấp các yếu tố kháng khuẩn bảo vệ trẻ khỏi mắc nhiều loại bệnh, mang lại sự gần gũi và gắn bó với mẹ giúp trẻ phát triển tâm lý, do đó các bà mẹ nên duy trì việc cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng và có thể lâu hơn theo nhu cầu của trẻ.
     * Nếu người mẹ thiếu dinh dưỡng có thể hạn chế số lượng và chất lượng sữa, giảm nguồn cung cấp thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ, là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong cho trẻ. Vì vậy, mẹ cần lưu ý không nên ăn uống kiêng khem, mà cần ăn đa dạng thực phẩm, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng như: đạm, béo, chất bột, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần có chế độ vận động, nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước và ngủ đủ giấc để tăng cường sức khỏe và chất lượng sữa mẹ.
 
2505214

Nếu nghi ngờ mẹ nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 phải làm gì?
     Nếu nghi ngờ mẹ nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục duy trì cho trẻ bú mẹ vì “Hiện không có bằng chứng COVID-19 truyền qua sữa mẹ, do đó sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quý giá giúp trẻ tránh khỏi ốm đau, bệnh tật và tử vong” - đó là thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
     Với nguồn kháng thể dồi dào từ sữa mẹ như: IgG, IgA, IgM, IgD và IgE. Trong đó, nhiều nhất là IgA, đặc biệt là loại IgA bề mặt, loại này có trong các dịch tiết cơ thể như nước bọt, bề mặt đường hô hấp, đường tiêu hoá, có khả năng tồn tại không bị acid của dạ dày phá hủy và không tiêu hủy các vi khuẩn "có ích" cho hệ tiêu hóa. Kháng thể này lưu hành từ máu vào trong sữa mẹ và cung cấp sức đề kháng cho con mình chống lại những vi khuẩn mà người mẹ đã gặp phải.
     Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có những axit béo đặc biệt và một số loại monoglyceride giúp sữa mẹ có khả năng làm vỡ màng bọc của một số loại vi-rút.
     Đặc biệt là lượng sữa non, xuất hiện trong những ngày đầu sau sinh, chứa rất nhiều kháng thể, tế bào miễn nhiễm và một số chất có tác dụng chống vi trùng như interferon (chống siêu vi trùng), fibronectin (tăng cường lực lượng bạch cầu như đại thực bào).
Khi mẹ nhiễm bệnh, trong sữa mẹ có kháng thể chống lại vi-rút nên cho trẻ bú mẹ cũng giống như đang tiêm vắc-xin cho trẻ.
     Tuy nhiên, người mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà Viện dinh dưỡng đã khuyến cáo đó là: phải mang khẩu trang khi cho trẻ bú; rửa tay đủ 6 bước bằng nước sạch và xà phòng trước khi chạm vào con hay chạm các bề mặt mà trẻ có thể chạm vào; lau chùi thường xuyên các bề mặt mà bà mẹ và trẻ thường tiếp xúc quanh mình; khi hắt hơi hoặc ho phải che miệng bằng khăn giấy, khăn vải hoặc bằng khuỷu tay và rửa ngay sau đó.
     Trong trường hợp bà mẹ cảm thấy mệt mỏi, kể cả khi đang thực hiện cách ly do nghi có tiếp xúc với nguồn lây COVID-19, hoặc thậm chí khi đã bị nhiễm vi-rút, việc nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là cách tốt và an toàn cho trẻ, nếu không thể cho trẻ bú trực tiếp thì có thể vắt sữa để cho trẻ uống.
     Lưu ý, trước khi vắt cũng phải rửa tay đúng cách. Khi mẹ nghi ngại, quyết định không nuôi con bằng sữa mẹ thì mẹ có thể nhờ sự trợ giúp từ cán bộ y tế sẽ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn về lựa chọn và cách sử dụng các sản phẩm thích hợp nhất để nuôi bé.
                                                                 Phước An
(Tổng hợp theo Sức Khỏe và Đời Sống)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây