Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Thứ tư - 20/11/2024 03:09
Cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là một trong những nội dung mới quan trọng, thu hút nhiều sự quan tâm thể hiện chính sách nhân văn, nhân ái và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 20/6/2023 tại kỳ họp thứ 5 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 đã xác định rõ 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm: người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em; người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là một trong những nội dung mới quan trọng, thu hút nhiều sự quan tâm thể hiện chính sách nhân văn, nhân ái và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
 
bảo vệ người tiêu dùng
7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Quyền lợi Người tiêu dùng dễ bị tổn thương được ưu tiên bảo vệ
So với người tiêu dùng thông thường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương được ưu tiên bảo vệ quyền lợi trong một số trường hợp, cụ thể: (1) được bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định khác của pháp luật có liên quan; (2) được tổ chức, cá nhân kinh doanh ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết khi quyền lợi bị xâm phạm, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan; (3) được tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định; (4) được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu và hướng dẫn cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm. (Khoản 2 Điều 8 Luật).
Để có cơ sở nhận diện chính xác người tiêu dùng dễ bị tổn thương, qua đó bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng này, Luật cũng quy định khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu cần bảo vệ thì cần kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và các tổ chức xã hội
Tương ứng với cơ chế ưu tiên bảo vệ quyền lợi đối với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với riêng nhóm đối tượng này. Ngoài các trách nhiệm chung theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật, khi giao dịch với nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm:
- Bảo đảm việc thực hiện quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật;
- Áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương;
- Không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương quy định tại điểm c khoản 2 Điều này do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán;
- Chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch;
- Xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức hoặc các biện pháp phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của người tiêu dùng dễ bị tổn thương;
-  Xây dựng, cập nhật, công khai cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương các nội dung quy định tại khoản này theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) và đào tạo, tập huấn cho người lao động của mình về các nội dung đó. Trách nhiệm quy định tại điểm này không bắt buộc áp dụng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp doanh nghiệp đó thực hiện giao dịch quy định tại Chương III của Luật này.
Ngoài ra, Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và hướng dẫn người tiêu dùng dễ bị tổn thương cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình tổ chức thực hiện các trách nhiệm./.
Anh Thơ
(Trích Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây