Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11): Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật
Thứ hai - 11/11/2024 01:53
Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) hàng năm là dịp quan trọng để chúng ta cùng nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, công bằng và văn minh. Ngày này không chỉ là cơ hội cho mỗi cá nhân, tổ chức tự động kiểm tra lại việc tuân thủ pháp luật mà còn là dịp để nhắc nhở chúng ta về vai trò của luật pháp trong cuộc sống hàng ngày.
Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cụ thể hóa Điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam.
Pháp luật là nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển vững chắc của đất nước. Mọi hoạt động xã hội, từ sản xuất, kinh doanh đến giáo dục, y tế, đều phải được điều chỉnh theo quy định của pháp luật. Điều này giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân, tổ chức, đồng thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế có chiều sâu rộng hơn, việc hiểu biết và thực thi pháp luật đúng đắn là yêu cầu cấp thiết. Tuân thủ luật không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức phát triển bền vững, đảm bảo công bằng trong cạnh tranh và tạo dựng lòng tin đối với đối tác, khách hàng. Đặc biệt, thời gian vừa qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có một số bài viết, phát biểu quan trọng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển; trong đó, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, để kịp thời phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hàng năm khuyến khích mọi người dân chủ động tìm hiểu, học hỏi và nâng cao nhận thức về pháp luật. Đặc biệt, việc giáo dục pháp luật trong đường học cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn bao giờ hết, để thế hệ trẻ có thể nhận thức sâu sắc về vai trò của pháp luật trong cuộc sống. Thông qua đó, chúng ta có thể xây dựng một hệ công dân trẻ trung, năng động và có ý thức pháp luật tốt. Pháp luật là công cụ để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Và chỉ khi chúng ta tôn trọng và thực thi pháp luật, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội an toàn, bình đẳng và phát triển. Hãy đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hãy cùng nhau thực hiện khẩu hiệu: “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”!/.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...