6 2 banner2 1

Những điều cần biết để tránh thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em

Thứ tư - 31/05/2023 21:58
Các vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ con người. Thiếu vi chất dinh dưỡng được ví như “nạn đói tiềm ẩn”, gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em.
Tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng với sức khỏe
Vi chất dinh dưỡng (VCDD ) bao gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E…) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, sắt, phospho, kẽm, I-ốt, selen, đồng…). Đây là những chất rất cần thiết tham gia vào mọi quá trình hoạt động của cơ thể con người.
Những chất này tuy cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ (tính bằng mcg đến mg) nhưng lại có vai trò rất quan trọng. Khi thiếu vi chất sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sự phát triển và hoạt động của cơ thể, đặc biệt với đối tượng là phụ nữ và trẻ em.
Việc cung cấp cho cơ thể đủ lượng vitamin và khoáng chất hàng ngày là cơ sở cho một sức khỏe tối ưu và còn có thể giúp chống lại nhiều bệnh tật.
Hơn nữa, một số vitamin và khoáng chất có thể hoạt động như chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể chống lại các tổn thương tế bào có liên quan đến một số bệnh thường gặp, ví dụ bệnh Alzheimer, béo phì, bệnh tim mạch và thậm chí ung thư.
Việc phát hiện sớm cơ thể thiếu vi chất và bổ sung vi chất đúng cách là rất quan trọng. Dựa theo Bảng nhu cầu khuyến nghị vitamin và chất khoáng trong khẩu phần 1 ngày dưới đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tham khảo lượng vi chất cần tiêu thụ hàng ngày:
Bảng nhu cầu khuyến nghị vitamin và chất khoáng trong khẩu phần 1 ngày
Trẻ em Vitamin A (mcg/ngày) Canxi
(mg/ngày)
I-ốt
(mcg)
Sắt
(mg/ngày)
Kẽm
(mg/ngày)
Magie (mg/ngày) Phospho
(mg/ngày)
< 6 tháng 375 300 90 0,93 2,8 36 90
6-11tháng 400 400 90 12,4 4,1 54 275
1-3 tuổi 400 500 90 7,7 4,1 65 460
4-6 tuổi 450 600 90 8,4 5,1 76 500
7-9 tuổi 500 700 90 11,9 5,6 100 500
Nữ trưởng thành 500 1000 150 39,2 4,9 205 700
*Chú ý: Nhu cầu sắt tính theo giá trị sinh học khẩu phần sắt hấp thu 10%. Kẽm mức hấp thu vừa.
Theo số liệu Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2020 thì tình trạng thiếu VCDD đã cải thiện rõ rệt ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em.
- Thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 14,2% xuống còn 9,5%, vitamin A trong sữa mẹ thấp đã giảm từ 35,5% xuống còn 18,3%. Đạt được kết quả đó, là do tỷ lệ bao phủ viên nang vitamin A một năm 2 lần cho trẻ em trong độ tuổi được uống là 98,8%. Tỷ lệ bà mẹ sau khi sinh con trong vòng 1 tháng được uống vitamin A là trên 90%.
- Thiếu sắt sẽ dẫn tới thiếu máu, ảnh hưởng đến khả năng lao động và học tập. Thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi đều được cải thiện. Năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, phụ nữ là có thai là 25,6% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 16,2% so với năm 2010 (thì tỷ lệ thiếu máu của các đối tượng trên là 29,2%, 36,5% và 28,8%).
- Tình trạng thiếu kẽm ở phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã được cải thiện rõ rệt: Thiếu kẽm ở phụ nữ có thai đã giảm từ 80,3% năm 2010 xuống còn 63,5% năm 2020, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 69,4% xuống còn 58,0%.

Những lưu ý để tránh thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em

Vi chất dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể, tuy nhu cầu chỉ cần một lượng rất nhỏ có thể tính chỉ bằng mcg đến mg, nhưng khi thiếu lại gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy việc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là việc rất cần thiết cho mọi người, nhất là ở trẻ em.
Phòng chống thiếu VCDD là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn, các bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thức ăn và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm).
vi chat dinh duong
9 điều cần biết để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em:
  1. Phụ nữ mới kết hôn, bà mẹ trước và trong khi mang thai cần ăn, uống đầy đủ và uống thêm viên sắt/ axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
  2. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, ưu tiên sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương.
  3. Sử dụng phối hợp 15-20 loại thức ăn từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.
  4. Không bắt trẻ ăn kiêng khem khi trẻ bị bệnh.
  5. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình lựa chọn, chế biến và bảo quản thức ăn cho trẻ.
  6. Tẩy giun 2 lần một năm cho trẻ em từ 24-60 tháng tuổi, thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống để phòng chống nhiễm giun.
  7. Sử dụng muối I-ốt hoặc bột canh I-ốt trong chế biến thức ăn.
  8. Đừng tự bổ sung vi chất dinh dưỡng kéo dài khi không có hướng dẫn của bác sĩ.
  9. Hãy theo dõi sự tăng trưởng của bé và nên đi khám tư vấn dinh dưỡng định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.            
Ths. Nguyễn Hữu Quý
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/)

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Hữu Quý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây