DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thứ năm - 12/11/2020 03:58
Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) thường xảy ra sau tuổi 40 và được xem như là giai đoạn đầu của nhiều rối loạn khác như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đục nhân mắt, xuất huyết võng mạc, bệnh mạch vành dẫn đến suy tim, tổn thương thận.
Để kiểm soát tốt đường huyết cần có sự phối hợp của nhiều biện pháp: dinh dưỡng, vận động và thuốc. Trong đó, chế độ ăn là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là đối với ĐTĐ tuýp 2 nhằm bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đầy đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng để tránh tăng đường huyết, tăng đường niệu, hạ đường huyết và các biến chứng lâu dài dẫn đến tàn tật và tử vong.
 
1211201

Nguyên tắc của chế độ ăn cho người bệnh ĐTĐ
-  Cung cấp cho người bệnh đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin & chất khoáng và ở tỷ lệ cân đối hợp lý.
-  Chế độ ăn không làm tăng đường máu nhiều sau ăn, không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
- Duy trì được cân nặng ở mức cân nặng lý tưởng và không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu.
-  Đảm bảo ngon miệng, phù hợp với thói quen ăn uống và điều kiện kinh tế của người bệnh.
Nếu chế độ dinh dưỡng tốt, mức đường máu được khống chế ở mức an toàn, bệnh sẽ không tiến triển nặng thêm. Các thức ăn liên quan đến bệnh đái tháo đường: Thức ăn có glucid làm đường huyết tăng nhiều sau khi ăn; thức ăn có nhiều lipid dễ gây xơ vữa động mạch ở người đái tháo đường.
Vì thế điều cơ bản trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân đái tháo đường là phải hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao để tránh đường huyết tăng nhiều sau khi ăn và hạn chế lipid động vật giàu các acid béo bão hòa.
Dinh dưỡng dự phòng đái tháo đường
- Phòng chống thừa cân béo phì là biện pháp dự phòng có triển vọng nhất để dự phòng bệnh đái đường không phụ thuộc insulin. Nên giữ trọng lượng cơ thể sao cho chỉ số BMI ở bình thường từ 18,5 - < 23 kg và tốt nhất là ở mức lý tưởng 20-22.
- Ăn đủ số bữa: ít nhất là 3 bữa/ngày, có thể thêm 1-2 bữa phụ nhỏ/ngày vào thời gian giữa các bữa chính để tránh làm tăng đường huyết quá mức sau ăn.
- Chế độ ăn giàu các thức ăn thực vật  (nhiều rau, quả), giảm axit béo no, giảm cholesterol và thực phẩm có chỉ số đường huyết cao: có tác dụng phòng ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện bệnh đái tháo đường ở những cá thể “nhạy cảm”.
- Không uống rượu, bia nhiều: Rượu có thể ức chế tân tạo đường do đó dễ làm hạ đường huyết, nhất là khi người bệnh không ăn. Mặt khác rượu có thể tương tác với thuốc giảm đường huyết gây nhức đầu, nôn mửa, giãn mạch hoặc làm lu mờ các triệu chứng hạ đường huyết. Nên sử dụng hạn chế rượu, không lạm dụng rượu bia.
- Không nên ăn mặn: Người bình thường nên ăn <5g muối/ngày, người có tăng huyết áp cần ăn nhạt hơn tùy theo mức độ tăng huyết áp.
- Không nên hút thuốc lá.
- Hoạt động thể lực hợp lý không những cải thiện khả năng dung nạp Gulucose mà còn có tác dụng tốt đối với chuyển hóa insulin.
   Bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị và thực hiện lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực thường xuyên và hợp lý. Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, không để tăng cân quá ngưỡng là những yếu tố tích cực giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường.
                                                   Nguyễn Ly
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây